QC 1
Thứ 3, ngày 14/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tình trạng nghèo đói đáng báo động tại Mỹ Latinh và Caribe

Ngày 6/7, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo về tình trạng nghèo đói tăng mạnh tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, với số người bị đói tăng thêm 4 triệu người chỉ trong một năm trở lại đây trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành.

Báo cáo “Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới 2022” (SOFI) của FAO cho thấy trong năm nay, 56,5 triệu người Mỹ Latinh (tương đương 8,6% dân số khu vực) sống trong tình trạng thiếu ăn, trong khi 268 triệu người (40,6% dân số khu vực) đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực. Với những số liệu này, 7,4% số người thiếu dinh dưỡng trên toàn thế giới tập trung ở Mỹ Latinh.

Các nước vùng Caribe có tỷ lệ dân số bị ảnh hưởng nạn đói cao nhất trong khu vực, với hơn 16% so với khoảng 8% ở Trung và Nam Mỹ.

Trong một tuyên bố, đại diện của FAO ở Mỹ Latinh, ông Julio Berdegué, mô tả tình hình là “rất nghiêm trọng”, đồng thời nhấn mạnh rằng chỉ trong 2 năm, 13 triệu người đã rơi vào cảnh bị đói. Cứ 10 người Mỹ Latinh thì có 4 người sống trong tình trạng mất an ninh lương thực, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với các tác động khó lường.

Báo cáo dự báo số người thiếu dinh dưỡng ở Mỹ Latinh và Caribe sẽ tăng từ 0,62% (350.000 người) đến 1,13% (640.000 người) trong năm nay.

Riêng tại Brazil, tổng cộng 61,3 triệu người (tương đương 28,9% dân số) đang phải sống trong tình trạng mất an ninh lương thực trong giai đoạn 2019-2021, trong đó có tới 15,4 triệu người đối mặt với tình trạng này ở mức độ nghiêm trọng. Theo FAO, tình trạng nghèo đói ở Brazil ngày càng trở nên trầm trọng. Trong giai đoạn 2014-2016, mất an ninh lương thực đã tác động đến đời sống của 37,5 triệu người dân nước này, trong đó có 3,9 triệu người thuộc diện nghiêm trọng. Một nghiên cứu mới đây của Quỹ Getulio Vargas (FGV) cho thấy, tỷ lệ người dân Brazil không đủ tiền mua thức ăn cho bản thân hoặc gia đình tại một số thời điểm trong năm đã tăng lên mức kỷ lục 36% năm 2021 so với mức 30% năm 2019. Đây là lần đầu tiên tình trạng mất an ninh lương thực tại quốc gia sản xuất ngũ cốc lớn nhất Mỹ Latinh này cao hơn cả mức trung bình của thế giới kể từ năm 2006.

Thống kê cho thấy tỷ lệ mất an ninh lương thực của 20% người nghèo nhất tại Brazil trong đại dịch COVID-19 đã tăng lên 75% năm 2021, so với 53% năm 2019, gần bằng tỷ lệ tại Zimbabwe, nơi có mức độ mất an ninh lương thực cao nhất trên thế giới (80%). Ngoài ra, khoảng cách giới về mất an ninh lương thực năm 2021 tại Brazil lớn hơn 6 lần so với mức trung bình toàn cầu.

Cơ quan Quản lý hộ tịch Brazil (CadÚnico) cho biết số hộ gia đình trong diện nghèo đói cùng cực tại quốc gia Nam Mỹ này trong giai đoạn từ tháng 5/2021 đến hết tháng 4/2022 đã tăng từ 14,6 triệu hộ lên 18,2 triệu hộ, tương đương 52% trong tổng số 35 triệu gia đình được thống kê.

Tính theo dân số, 47 triệu trong số hơn 83,3 triệu người thuộc diện quản lý của CadÚnico đang sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực, chiếm tỷ lệ 55%.

Theo PV/Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/tinh-trang-ngheo-doi-dang-bao-dong-tai-my-latinh-va-caribe-post122571.html