QC 1
Thứ 4, ngày 26/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tổng Kiểm toán nói về vai trò kiểm toán trong ‘đại án’ Phúc Sơn, Thuận An

Đối với những sai sót trong đấu thầu, cụ thể là vụ án tiêu cực của Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn khẳng định hai doanh nghiệp này không có vốn nhà nước, nên không phải là đơn vị được kiểm toán.

Trong phiên chất vấn nhóm đề thuộc lĩnh vực kiểm toán, đại biểu Trịnh Minh Bình đề cập đến giải pháp khắc phục của Kiểm toán Nhà nước đối với các sai phạm trong hoạt động đấu thầu.

Theo đại biểu Trịnh Minh Bình, trong thời gian qua, các dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng sau đó, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện các sai phạm trong hoạt động đấu thầu.

Do đó, đại biểu Trịnh Minh Bình đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn lý giải vấn đề này và giải pháp khắc phục vấn đề này trong thời gian tới.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn

Trả lời về vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Như vậy, đối tượng kiểm toán là việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật. Đơn vị được kiểm toán là những đơn vị trực tiếp liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, với 12 nhóm đơn vị liên quan.

Đối với những sai sót trong đấu thầu thời gian qua, cụ thể là vụ án tiêu cực của Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn khẳng định hai doanh nghiệp này không có vốn nhà nước, nên không phải là đơn vị được kiểm toán.

“Những đơn vị này chỉ liên quan đến tài chính công, tài sản công với tư cách nhà thầu, do vậy hoạt động của đơn vị kiểm toán chỉ kiểm toán ở đơn vị chủ đầu tư và ban quản lý dự án”, ông Tuấn cho hay.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, trong quá trình kiểm toán đều thực hiện cả 3 nội dung: đánh giá, xác nhận tính đúng đắn trung thực; đánh giá sự tuân thủ pháp luật trong đấu thầu, đầu tư xây dựng và xác nhận tính hiệu quả tài chính công và tài sản công…

Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn cũng cho biết trong việc kiểm toán tuân thủ pháp lệnh về đấu thầu, dựa trên hồ sơ và tài liệu do ban quản lý dự án và chủ đầu tư cung cấp, Kiểm toán Nhà nước thu thập bằng chứng để đưa ra kết luận về tính trung thực, tính đúng đắn của báo cáo tài chính.

“Trong quá trình kiểm toán độc lập, riêng về lựa chọn nhà thầu, chúng tôi xem xét toàn bộ quá trình, từ việc chấp hành quy trình gọi thầu, hồ sơ thầu, chấm thầu, đến ký kết hợp đồng với nhà thầu. Chúng tôi cũng đã chỉ ra những sai sót và kiến nghị xử lý, từ xử lý tài chính đến hoàn thiện văn bản và xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan”, ông Tuấn nêu.

Bình luận vấn đề này bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, luật hiện hành chưa rõ ràng đối với các dự án đầu tư công nhưng được đầu tư bởi doanh nghiệp tư nhân. Do đó, cần cải tiến và sửa đổi các quy định này để đảm bảo quá trình kiểm toán diễn ra minh bạch, đúng đắn, không chồng chéo và không xung đột, cũng như không hạn chế quyền của kiểm toán.

“Sau khi kiểm toán, cần có kết luận rõ ràng và thực hiện ngay, nếu phát hiện thất thoát ngân sách nhà nước thì phải được thu hồi. Nếu có yếu tố vi phạm vượt quá phạm vi của kiểm toán, cần chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý”, ông Đồng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, cần có thời hạn nhất định để xử lý.

“Nhiều vụ việc được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, đang theo dõi xem các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát như thế nào. Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều vấn đề, nhưng việc thu hồi tài sản và xử lý trách nhiệm vẫn chưa được công khai và minh bạch”, ông nói.

Trong khi đó, TS Vũ Đình Ánh cho rằng cần phải quan tâm, thậm chí phải điều chỉnh ngay trong Luật Kiểm toán Nhà nước. Trong đó, đầu tiên là việc khẳng định rõ sự khác biệt giữa Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán độc lập, vì chúng được chi phối bởi các hệ thống pháp luật khác nhau. Việc phối hợp giữa hai bên này cũng cần được luật hóa để có thể sử dụng trong các trường hợp không phải là đối tượng của Kiểm toán Nhà nước.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Đình Ánh cũng nhấn mạnh việc phân biệt rõ ràng giữa chủ thể (Tổng Kiểm toán Nhà nước) và khách thể của Kiểm toán Nhà nước. “Khách thể hiện nay chỉ bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, nhưng đối tượng của Kiểm toán Nhà nước lại bao gồm toàn bộ việc quản lý và sử dụng tài chính công và tài sản công”, ông nói.

Do đó, theo TS Nguyễn Đình Ánh, việc hoàn thiện và thực thi pháp luật sẽ giúp Kiểm toán Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán tài chính công và tài sản công, kể cả khi không phải là khách thể trực tiếp của Kiểm toán Nhà nước.

“Điều này sẽ giải tỏa những thắc mắc mà đại biểu Quốc hội đã nêu gần đây liên quan đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, đảm bảo rằng chúng ta có thể kiểm toán và giám sát hiệu quả việc quản lý và sử dụng tài chính công và tài sản công”, ông cho hay.

Theo Anh Hùng/Vietnam Finance