QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

TP. HCM dự kiến 3 kịch bản và giãn cách triệt để hơn để ứng phó Covid-19

Chiều 16/7, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp trao đổi về tình hình dịch Covid-19.

TP. HCM dự kiến 3 kịch bản và giãn cách triệt để hơn để ứng phó Covid-19
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.  HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp trao đổi về tình hình dịch Covid-19

Theo ông Phan Văn Mãi, tình hình dịch Covid-19 phức tạp, chưa thể dự định được khi nào có thể vãn hồi. Vì thế, giãn cách có thể kéo dài trong 1 tuần hoặc nhiều tuần tới, mong người dân chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, cùng đồng tình với các giải pháp chống dịch của thành phố.

TP. HCM đang lên kế hoạch 2.000 giường hồi sức nặng (hiện tại là 1.200 giường). Một trong những mục tiêu của phòng chống dịch thời gian tới là tập trung điều trị bệnh nặng để giảm thiểu số tử vong.

Với số liệu hiện có, TP. HCM hiện chưa xác định được đỉnh dịch và số ca nhiễm Covid-19 cao nhất là bao nhiêu. TP. HCM sẽ tiếp tục theo dõi các số liệu, không chỉ từ các ca dương tính mà dùng thêm các phân tích khác để có thể đưa ra dự báo một cách tương đối.

TP. HCM chuẩn bị cả 3 kịch bản sau khi áp dụng Chỉ thị 16.

Kịch bản 1, khi số ca mắc trong cộng đồng giảm xuống, từng ngày có biểu hiện giảm, khu vực nguy cơ thu hẹp, khu vực an toàn mở rộng.

Kịch bản 2, tỷ lệ mắc tăng dần nhưng không quá nhiều hay tăng đột biến, khu vực nguy cơ chiếm phần lớn.

Kịch bản 3, khi số ca nhiễm tăng đột biến, một số hoặc nhiều địa bàn nguy cơ rất cao, lây lan mạnh, không kiểm soát lây lan.

Theo ông Mãi, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP. HCM đang nỗ lực thực hiện để đạt được mục tiêu theo kịch bản thứ 1. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, TP. HCM cũng lường trước việc sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 trong một thời gian nữa sau khi hết 15 ngày giãn cách xã hội.

Trong chiều 16/7, lãnh đạo thành phố và ngành y tế đang xem xét chuẩn bị cho kế hoạch cách ly F1 và F0 tại nhà (rút ngắn thời gian điều trị), theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Những trường hợp F0 không triệu chứng sẽ được giám sát bằng công nghệ và có thể được điều trị tại nhà hoặc cộng đồng. TP. HCM sẽ thành lập Trung tâm giám sát và điều trị Covid-19 để phục vụ mục tiêu giảm thiểu các trường hợp tử vong do Covid-19.

Ngoài ra, trong bối cảnh các tỉnh xung quanh cũng áp dụng Chỉ thị 16 nên việc thu mua, vận chuyển hàng hóa có nhiều khó khăn nên thiếu cục bộ, giá cả cao hơn bình thường, TP. HCM đã bàn với các tỉnh thực hiện phương án thu gom hàng hóa ngay trong thời điểm áp dụng Chỉ thị 16, tổ chức lại mạng lưới phân phối hàng hóa, cho mở lại các chợ chỉ để cung cấp lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.

TP. HCM xem người dân ngoại tỉnh đến lao động, học tập cũng như người dân của thành phố. Vì vậy, chủ trương đưa người dân về các tỉnh không phải là chủ trương của lãnh đạo TP. HCM. Nhưng nếu các địa phương và người dân đồng thuận thì TP. HCM sẽ sẵn sàng tạo điều kiện cho người dân về các tỉnh.

Đến nay (ngày 17/6) đã là ngày thứ 8 TP. HCM thực hiện giãn cách xã hội. Đây là thời gian then chốt để TP. HCM triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát dịch bệnh với mục tiêu triển tách cơ bản F0 ra khỏi cộng đồng, khoanh vùng, chặn đứng chuỗi lây lan, giảm số ca mắc tiến tới kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Hiện TP. HCM đã thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 đặt tại trụ sở UBND TP để theo dõi, xử lý nhanh chóng tình hình dịch bệnh trên địa bàn gồm 16 thành viên; trong đó, Chỉ huy trưởng là Chủ tịch UBND TP. HCM.

Theo Trần Lê/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/tp-hcm-du-kien-3-kich-ban-va-gian-cach-triet-de-hon-de-ung-pho-covid-19-20180504224255905.htm