QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

“Trợ thở” khẩn cấp cho ngành du lịch

Khi chưa thể mở cửa đón du khách quốc tế đã có hộ chiếu vaccine, chính quyền các địa phương cần sớm có giải pháp để đón du khách trong nước tới từ các tỉnh, thành khác. Ngành du lịch đã rất nguy ngập, không thể trụ vững nếu các danh thắng tiếp tục cửa đóng then cài và chỉ đón du khách nội tỉnh.

Khoảng 500 tàu, thuyền du lịch tại vịnh Hạ Long tỉnh Quảng Ninh nhiều tháng qua đang nằm thoi thóp ở ven bờ trong.

Tại cuộc họp mới nhất ngày 15/6 giữa các chủ tàu với đại diện ngân hàng và chính quyền địa phương để tìm cách “trợ thở” cho các doanh nghiệp này, nhiều đại gia du lịch một thời đã bật khóc.

Họ khóc vì phải cầm cự quá lâu, vốn liếng đã cạn sạch, phải bán ô tô, vay nóng tín dụng đen để có tiền cho công nhân sống qua ngày nhưng những tháng ngày đen tối phía trước vẫn rất mịt mù.

Không chỉ tại Quảng Ninh, nơi có đội tàu du lịch nghìn tỷ đang “đắp chiếu”, tình trạng hàng loạt doanh nghiệp du lịch “chết lâm sàng” đã xuất hiện khắp nơi từ đầu năm 2020 đến nay. Trải qua 4 đợt dịch liên miên, hầu hết các công ty nào đủ lực để cầm cự, để nuôi sống nhân viên và duy trì bộ máy của mình.

Theo Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA), hiện có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, khoảng 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, đại lý vé phần lớn cho nghỉ việc 100% lao động. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho 60-90% nhân sự nghỉ việc.

Hiện nay, trước nguy cơ lây nhiễm trong làn sóng Covid -19 lần 4, các tỉnh thành trọng điểm về du lịch mới đang rón rén mở cửa trở lại, nhưng là mở cửa du lịch nội tỉnh.

Với các tour du lịch dành cho khách nội tỉnh, một số doanh nghiệp cho rằng “không ăn thua”, vì người dân trong tỉnh hầu hết không hứng thú với du lịch tại các danh lam thắng cảnh ở địa phương mình.

Quảng Ninh, Hội An, Đà Nẵng… du lịch nội tỉnh được tái khởi động từ tuần đầu tháng 6 nhưng lượng khách lác đác, không có dấu hiệu khởi sắc để doanh nghiệp có thể phục hồi.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp không khói đang thực sự cần hồi sức cấp cứu thì giải pháp hộ chiếu vaccine cho du khách quốc tế đang rất được các doanh nghiệp du lịch chờ đợi và hy vọng.

Trong khi Việt Nam vẫn đang tính toán lộ trình cụ thể cho giải pháp này thì Thái Lan đã nhanh chân hơn. Tháng 7 tới đây, Phuket sẽ là điểm đầu tiên của Thailand thí điểm dỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với khách quốc tế có chứng nhận tiêm phòng trước ít nhất 14 ngày và không quá một năm so với thời điểm khởi hành.

Các du khách này phải được bảo đảm đến từ các quốc gia không có các biến thể virus SARS-CoV-2 theo danh sách cập nhật của Bộ Y tế Thai Lan. Trong bảy ngày đầu, khách chỉ được tham quan một số điểm nhất định trong Phuket, nhưng sau thời gian đó, họ được phép tới các điểm khác.

Có thể, với những khó khăn do làn sóng Covid bùng phát mạnh, chưa thể khống chế thì với mô hình “hộ chiếu vaccine” này của Thái Lan, Việt Nam chưa học theo được.

Nhưng có một giải pháp an toàn hơn chúng ta có thể sớm thực hiện được đó là áp dụng chính sách “hộ chiếu vaccine” cho khách du lịch nội địa. Đây là một giải pháp rất khả thi và rất cần các địa phương tính toasnn thực hiện để cứu du lịch tỉnh mình.

Sau khi từng bước triển khai “hộ chiếu vaccine” cho du khách trong nước, các ngành chức năng, các địa phương cũng có cơ sở để rút kinh nghiệm trong việc triển khai hộ chiếu vaccine cho du khách quốc tế, có chọn lọc từ các thị trường tương đối an toàn.

Hiện, việc triển khai tiêm vaccine tại Việt Nam đã và đang được triển khai rộng rãi trên nhiều tỉnh thành. Khi người dân đã có hộ chiếu vaccine và thực hiện các biện pháp 5k phòng dịch thì không có lý do gì bắt những người này phải ngồi ở nhà hoặc chỉ đi du lịch loanh quanh trong địa phương của họ.

Ngành du lịch Việt Nam qua gần 2 năm Covid đã cơ bản bị đánh gục. Rất nhiều doanh nghiệp sẽ không thể hồi sinh nếu các địa phương tiếp tục bế quan tỏa cảng, ngăn sông cấm chợ với khách du lịch, đặc biệt là những người đã được tiêm vaccine.

Vừa chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo kinh tế, đảm bảo sinh kế cho người dân, doanh nghiệp, đó là mục tiêu kép mà Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần quán triệt, yêu cầu các địa phương thực hiện.

Nếu chống dịch giỏi, kiên quyết, mãnh mẽ, triệt để nhưng để ngành công nghiệp không khói ngã gục, không thể từng bước phục hồi, đó là một tổn thất rất lớn ảnh hưởng tới hàng triệu người lao động, hàng vạn doanh nghiệp cũng như tác động tới tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Theo Khởi Anh/Ngày Nay

Nguồn:https://ngaynay.vn/tro-tho-khan-cap-cho-nganh-du-lich-post109182.html