QC 1
Thứ 2, ngày 06/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Sự thống trị của NVIDIA trong kỷ nguyên AI: Hành trình phi thường để dẫn đầu thị trường

Nếu cột mốc 1.000 tỷ USD đầu tiên phải mất hơn 24 năm để chinh phục thì quá trình tăng gấp đôi vốn hoá lên 2.000 tỷ USD của NVIDIA chỉ mất 270 ngày, trong bối cảnh nhu cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn tiên tiến đang bùng nổ. 

Hưởng lợi nhờ cơn sốt AI

NVIDIA được thành lập vào năm 1993

Được thành lập vào năm 1993, trọng tâm ban đầu của NVIDIA là sản xuất bộ xử lý đồ họa (GPU) dành cho việc chơi game trên máy tính. Trong nhiều năm, GPU đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh của NVIDIA. Thậm chí, đã 30 năm trôi qua, doanh số bán card đồ họa dành cho chơi game, bao gồm cả dòng GeForce, vẫn khiến NVIDIA trở thành nhà cung cấp card đồ họa rời lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, bước ngoặt thực sự của NVIDIA xảy ra vào năm 2017, khi công ty nhận ra rằng các GPU của mình có hiệu quả cao trong việc đào tạo và vận hành các mô hình AI, họ đã tập trung vào việc tối ưu hóa chúng cho thị trường đầy tiềm năng này. 

Chip của NVIDIA đã phát triển vượt ra ngoài lĩnh vực trò chơi điện tử để cung cấp năng lượng cho một số siêu máy tính tiên tiến nhất thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo các mô hình AI phức tạp dành cho doanh nghiệp, siêu vũ trụ công nghiệp và ô tô tự lái…

Theo các chuyên gia, chip AI của Nvidia ban đầu được thiết kế cho các trò chơi điện tử. Chúng sử dụng vi xử lý song song, chia nhỏ từng phép tính thành các khối nhỏ hơn, sau đó phân phối chúng giữa nhiều “nhân” – bộ não của bộ xử lý – trong chip. Chúng có thể chạy các phép tính nhanh hơn nhiều so với việc xử lý các tác vụ theo trình tự. Hiện nay, chip của NVIDIA được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đào tiền điện tử, xe tự lái và quan trọng nhất là nâng cấp các mô hình AI.

Nhờ cơn sốt AI tạo sinh (Generative AI), NVIDIA lần đầu có tên trong danh sách “câu lạc bộ nghìn tỷ USD” vào cuối tháng 5/2023. Và khoảng 9 tháng sau đó, một dấu son đáng nhớ trong lịch sử của NVIDIA đã được thiết lập, khi giá trị thị trường của công ty cán mốc 2.000 tỷ USD. 

Hiện, với mức vốn hóa hơn 1.900 tỷ USD, NVIDIA đã vượt mặt những Big Tech của Mỹ như Google, Amazon để trở thành công ty lớn thứ 4 thế giới, chỉ đứng sau Microsoft (3.040 tỷ USD), Apple (2.840 tỷ USD) và Saudi Aramco (khoảng 2.000 tỷ USD).

Liên tục phá kỷ lục

2023 là một năm đột phá của trí tuệ nhân tạo và không có công ty nào được hưởng lợi từ xu hướng này như nhà sản xuất chip NVIDIA. 

Doanh thu của NVIDIA trên toàn thế giới tính theo năm tài chính 2015 – 2024

Trong quý tài chính thứ tư kết thúc vào tháng 1/2024, lợi nhuận của NVIDIA đã tăng lên gần 12,3 tỷ USD, tức tăng 769% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đã giúp lợi nhuận cả năm 2023 của công ty tăng hơn 580% so với năm 2022.

NVIDIA cũng công bố doanh thu quý IV đạt 22,10 tỷ USD, tăng 265% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu nhảy vọt của NVIDIA có đóng góp lớn từ mảng kinh doanh trung tâm dữ liệu (data center) khi tăng 409% so với cùng kỳ năm trước lên mức kỷ lục 18,4 tỷ USD.

H100 của NVIDIA hiện là chip đồ họa GPU mạnh nhất trên thị trường với mức giá đắt đỏ, khoảng 30.000-36.000 USD và khi khan hàng có thể lên đến 40.000 USD. Hiện H100 chủ yếu được bán cho các công ty cung cấp dịch vụ đám mây và chuyên phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn. 

Tính cả năm 2023, NVIDIA ghi nhận doanh thu kỷ lục 60,9 tỷ USD, đánh dấu mức tăng 126% so với năm 2022. 

Theo ông Dan Morgan, phó chủ tịch của Synovus Trust Company, NVIDIA đang chiếm khoảng 70% doanh số bán dẫn trên thế giới, ngay cả khi các “ông lớn” công nghệ như Meta, Amazon, IBM và Microsoft đều đã “xắn tay” sản xuất một số chip của riêng họ.

Công ty dự kiến ​​doanh thu trong quý I/2024 sẽ đạt khoảng 24 tỷ USD, đánh dấu mức tăng 233% so với quý trước và vượt xa những gì Phố Wall mong đợi.

Cam kết “biến Việt Nam thành quê hương thứ hai”

Trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Tọa đàm xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam tháng 12 năm ngoái, CEO NVIDIA Jensen Huang cho rằng hiện nay, công nghệ bán dẫn và AI là chiến lược vô cùng quan trọng, là yếu tố sống còn tới sự phát triển và thịnh vượng của các quốc gia. 

Nhận định Việt Nam đã sẵn sàng cho công nghệ mới, CEO tập đoàn NVIDIA cam kết “biến Việt Nam thành quê hương thứ hai” và thành lập pháp nhân tại Việt Nam, đồng thời đầu tư nâng cao năng lực về con người cũng như hạ tầng cho Việt Nam. NVIDIA có tham vọng mở rộng thị trường Việt Nam với nỗ lực thúc đẩy một “AI Việt Nam”.

Mới đây nhất, ngày 23/4, NVIDIA và tập đoàn FPT đã công bố hợp tác chiến lược toàn diện để thúc đẩy nghiên cứu AI, cung cấp dịch vụ, giải pháp cho khách hàng Việt Nam và trên toàn cầu. 

Theo biên bản ghi nhớ, FPT dự kiến đầu tư 200 triệu USD để xây dựng Nhà máy Trí tuệ nhân tạo (AI Factory) cung cấp nền tảng Điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu phát triển AI và có chủ quyền tại Việt Nam. 

Đây là nhà máy trên nền tảng điện toán đám mây, bao gồm các hệ thống siêu máy tính hoạt động trên công nghệ mới nhất của NVIDIA là bộ ứng dụng và khung công nghệ phát triển AI trong AI Enterprise và chip đồ họa GPU H100 Tensor Core.

Nhà máy được đánh giá sẽ góp phần nâng cao năng lực cung cấp giải pháp công nghệ cao về AI và cloud của doanh nghiệp Việt Nam và FPT trên quy mô toàn cầu, đồng thời nâng tầm nguồn nhân lực công nghệ.

Nói về lý do lựa chọn Việt Nam để đầu tư, ông Keith Strier, Phó Chủ tịch sáng kiến AI toàn cầu của NVIDIA, cho biết: “Việt Nam có con người và văn hóa cam kết, có trách nhiệm với tương lai của chính mình và khả năng lãnh đạo. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam sẵn sàng cho tương lai. Ông Jensen Huang – CEO NVIDIA nói chúng ta nên quay lại Việt Nam và mở rộng kinh doanh ở đó. Vì vậy, chúng tôi đã làm điều đó”.

Theo Hoàng Ngân/VietnamFinance