QC 1
Thứ 7, ngày 18/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

“Trùm cuối” GKFX tái xuất, nhà đầu tư chứng khoán cẩn trọng tránh mất tiền oan

Hệ thống GKFX và các sàn chứng khoán quốc tế giả mạo từng làm mưa, làm gió từ năm 2021 đến nay khiến bao gia đình rơi vào cảnh tan cửa nát nhà.

“Trùm cuối” GKFX tái xuất

Sau gần 2 năm vắng bóng, cộng đồng đầu tư chứng khoán dậy sóng trước sự trở lại của người được cho là “ông trùm” của GKFX – P. Đ.N (hay còn được biết đến là biệt danh N. P).

Thời gian gần đây, N. thường xuyên xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, tik tok với nick name Mr P.

Trong các bài viết và những video đăng tải, N. chia sẻ cuộc sống xa hoa bên cạnh những bóng hồng và siêu xe sang trọng.

Người này hay nói “đạo lý”, quảng bá, mời gọi người dân đầu tư forex với những lời hứa hẹn lợi nhuận cao, rủi ro thấp.

Để tạo độ uy tín, N. thành lập các đội nhóm đầu tư trên các nền tảng Facebook, Telegram…thường xuyên chia sẻ hình ảnh hoặc clip “trade” forex tại các sàn do N. và các quản lý điều hành.

Sự trở lại của “trùm cuối” GKFX khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc. Bởi chính họ từng là nạn nhân của hệ thống GKFX.

Biết bao con người vì đầu tư vào các sàn chứng khoán quốc tế giả mạo như GKFX, ACXFX, SEA Investing, LCM,…lâm vào tình cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Biết bao gia đình tan cửa nát nhà trong đó có trường hợp nhà đầu tư tự tử vì không chịu nổi áp lực.

Ngoài ra, sự trở lại của N. sau một thời gian được “tẩy trắng” cảnh báo cơn sóng “chứng khoán quốc tế” giả mạo sẽ trở lại.

Vì thế nhà đầu tư cần đặc biệt cảnh giác trước những lời mời gọi tham gia các sàn chứng khoán quốc tế không có uy tín.

 Ph. Đ. N tái xuất, thành lập cộng đồng đầu tư forex

Một nhân viên từng làm việc tại các sàn chứng khoán quốc tế lừa đảo cho biết các sàn  Leap CM, GKFX, LPL Trade, Londonex, ACXFX, Scope Markets, DK Trade, IQX Trade được điều hành bởi P.Đ.N (sinh năm 1994).

N hiện đang ở Campuchia, tiếp tục lôi kéo nhiều người Việt Nam làm việc và phát triển các hệ thống chân rết là những sàn chứng khoán quốc tế giả mạo.

Trước đó, tháng 9/ 2023, cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TP. Hà Nội cho biết đang điều tra vụ án: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra năm 2022, 2023 trên địa bàn TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Theo cơ quan điều tra, các đối tượng đã tham gia quản lý, điều hành 6 trang web (ZenoMarkets.com, Londonex.com, CHMarkets.com, TradeTime.com, LPLtrade.com, DexInvesting.com).

Các trang website này thường được thiết kế rất giống với các trang web chính thống của các công ty tài chính uy tín.

Tuy nhiên, điểm khác biệt các đối tượng có thể điều chỉnh được kết quả tăng giảm theo ý chúng.

Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn sử dụng 8 tài khoản ngân hàng (tài khoản số: 317228 mang tên Công ty TNHH ROWNA, tài khoản số 231366 mang tên Công ty TNHH Audrey mở tại Ngân hàng ACB; các tài khoản số: 1029417421 mang tên Công ty TNHH AMBROSE, số 1031327764 mang tên Công ty TNHH Tư vấn DVA, số 1030943887 mang tên Công ty TNHH UNI VN, số 1031477119 mang tên Công ty TNHH SYSNET VN, số 1020442030 mang tên Công ty CP 9PAY, tài khoản số 1031476369 mang tên Công ty TNHH SODIAL VN đều mở tại Ngân hàng Vietcombank).

Các đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Zoiper, Telegram để cung cấp thông tin sai sự thật nhằm quảng cáo, lôi kéo nạn nhân tham đầu tư chứng khoán quốc tế qua các trang web trên.

Ban đầu, các đối tượng dụ dỗ nạn nhân chơi ít và rút tiền lời ra được. Sau đó, bọn chúng dẫn dụ các nạn nhân vào nhóm kín và đưa các thông tin để hướng dẫn nạn nhân nâng vốn, chốt các mã lời cao.

Thực tế, các thành viên trong nhóm đều do các đối tượng giả mạo nhằm tương tác, khoe thành tích rút được tiền để truyền cảm hứng cho nạn nhân nạp nhiều tiền hơn.

Khi tài khoản của nạn nhân bị “cháy” do thua lỗ, thì các đối tượng hướng dẫn cách để khôi phục tài khoản và lấy lại được số tiền ban đầu tuy nhiên phải nạp thêm tiền vào.

Cứ như vậy cho đến khi nạn nhân không còn khả năng nạp thêm tiền thì các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền của nạn nhân.

Trên thực tế, những sàn chứng khoán lừa đảo nêu trên đều có bóng dáng của “trùm cuối” P.Đ.N. Tuy nhiên do đã “cao chạy xa bay” nên việc điều tra tung tích của N. rất khó.

 Hệ thống sàn chứng khoán quốc tế lừa đảo do N. và các quản lý điều hành

Hệ thống GKFX là gì?

Trước khi bị Bộ Công an truy quét, tổ chức lừa đảo GCG Asiahoạt động dưới hai cái tên là GKFX và GCFX. GCG ASIA xây dựng hệ thống các sàn chi nhánh dưới nhiều cái tên như DK TRADE, ACXFX, LCM…và sử dụng chung một nền tảng giao dịch là Meta Trade 4, Meta Trade 5 (hay còn được gọi là MT4, MT5).

Thủ đoạn chung của những sàn này là cho các nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức telesales (chào mời đầu tư qua điện thoại), liên hệ qua mạng xã hội zalo, facebook, tư vấn người chơi “đánh lệnh”.

Ban đầu thường cho nhà đầu tư đánh thắng để nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản; sau đó, tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng dẫn đến mất hết tiền trong tài khoản của nhà đầu tư.

Khi đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn Forex mới, với cam kết nếu nạp tiền vào sẽ chơi thắng lại được số tiền đã thua.

Nhà đầu tư trên các sàn giao dịch này thực chất là chơi với chủ sàn, toàn bộ tiền đánh thua là chủ sàn được hưởng (đã có nhiều người dân bị thua số tiền rất lớn lên đến cả chục tỷ đồng).

Trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật như: chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền.

Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan Công an.

Mặc dù GCG ASIA tuyên bố là một công ty kinh doanh về lĩnh vực ngoại hối của Thụy Sĩ được bảo chứng bởi cơ quan giám xác tài chính nổi tiếng DUKASCOPY.

Tuy nhiên, DUKASCOPY đã lên tiếng khẳng định không hề có bất cứ liên quan gì đến GCG ASIA hay GCFX cả, đồng thời không quên cảnh báo rằng đây là một sàn lừa đảo, không đáng tin cậy:  “GCG Asia đang gian lận khi sử dụng tên và logo của Dukascopy để thu hút khách hàng/ nhà đầu tư mà không có sự cho phép của Dukascopy Bank.”

Nhà đầu tư bị lừa mất tiền còn bị xã hội đen hành hung 

Trước tình trạng này, Bộ Công an khuyến cáo, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi nhận được lời mời chào đầu tư từ các cá nhân, tổ chức không rõ lai lịch, nhất là đối với những lời mời chào lãi suất, lợi nhuận cao, có dấu hiệu không minh bạch.

“Cảnh giác khi nhận được các lời mời đầu tư vào các loại tài sản ảo, tiền mã hóa hoặc tham gia giao dịch chứng khoán, tài sản ảo trên sàn giao dịch chứng khoán chưa được cấp phép”, đại diện Bộ Công an cho biết.

Theo Quảng Dương/Tạp chí Việt-Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/tim-hieu-phap-luat/trum-cuoi-gkfx-tai-xuat-nha-dau-tu-chung-khoan-can-trong-tranh-mat-tien-oan-492020.html