QC 1
Thứ 6, ngày 03/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vì sao Taseco Land “bẻ lái” lên UPCoM thay vì HOSE như kế hoạch ban đầu?

Dù có kế hoạch dự kiến niêm yết trên HOSE trong 2023, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, Taseco Land lại chốt ngày giao dịch cổ phiếu trên UPCOM…

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo về việc giao dịch cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) trên UPCoM với mã chứng khoán TAL. Theo đó, ngày 9/1 tới đây, 297 triệu cổ phiếu TAL sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu trong ngày chào sàn là 21.000 đồng/CP.

Đáng chú ý, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, Taseco Land đã thông qua kế hoạch niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), thời gian niêm yết dự kiến trong năm 2023, thế nhưng doanh nghiệp đã không thể thực hiện được kế hoạch này.

Taseco Land được biết đến là chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản

Theo tìm hiểu, Taseco Land là một đơn vị thành viên trực thuộc Công ty CP Tập đoàn Taseco (Taseco Group) – tập đoàn đa ngành với các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dịch vụ phi hàng không và khách sạn, đầu tư tài chính. Trong đó, Taseco Land chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản; tư vấn quản lý đầu tư xây dựng; và quản lý – khai thác vận hành bất động sản.

Trong đó, Taseco Land được biết đến là chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản bao gồm dự án An Bình Complex, Phú Mỹ Complex, và Trung Đô Complex tại Khu Đoàn Ngoại giao, Hà Nội; Alacarte Hạ Long, và Green Park Móng Cái tại Quảng Ninh; Khu đô thị mới trung tâm TP.Thanh Hóa… Trong nửa đầu năm 2023, Công ty đã đăng ký thực hiện Khu đô thị Nam sông Cầu tại TP. Thái Nguyên …

Đặc biệt, Taseco Land là công ty mẹ của Taseco Invest – chủ đầu tư của dự án Landmark 55 tại Hà Nội. Đây là dự án tổ hợp khách sạn 55 tầng và tòa tháp văn phòng 37 tầng nằm tại Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội với tổng mức đầu tư 4.810 tỷ đồng.

Công ty cho biết dự án này chuẩn bị được tái khởi công sau thời gian dài bị trì hoãn từ quý 1/2022, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028. Qua đó, trở thành toà nhà cao thứ ba tại Hà Nội sau (Keangnam Landmark Tower 72 tầng và Lotte Center Hà Nội 65 tầng), đồng thời là tòa nhà cao nhất Hà Nội do người Việt Nam làm chủ đầu tư.

Được biết, Taseco Land tiền thân là Công ty CP Đầu tư Bất động sản An Bình, thành lập từ ngày 29/7/2009. Trong đó, ông Phạm Ngọc Thanh là Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Trần Tùng làm Tổng giám đốc.

Đẩy mạnh vay nợ bù đắp dòng tiền kinh doanh âm 

Về hoạt động kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2023, Taseco Land ghi nhận doanh thu đạt 687,97 tỷ đồng, tăng 32,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 26,6 tỷ đồng, giảm 45,7% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 29,6%, về 22,3%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 0,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 0,69 tỷ đồng, về 153,15 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 28,6%, tương ứng tăng thêm 12,94 tỷ đồng, lên 58,14 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 162,2%, tương ứng tăng thêm 25,38 tỷ đồng, lên 41,03 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 17,5%, tương ứng tăng thêm 20,35 tỷ đồng, lên 136,33 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận lãi 10,49 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 0,31 tỷ đồng, tức tăng thêm 10,8 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, trong 9 tháng đầu năm mặc dù lợi nhuận gộp đi ngang và ghi nhận lợi nhuận khác tăng đột biến nhưng do chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao, Taseco Land vẫn báo cáo lợi nhuận giảm tới 45,7%.

Bên cạnh kinh doanh lao dốc, trong 9 tháng đầu năm 2023, Taseco Land còn ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 1.256,4 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 602,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 453,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.553,8 tỷ đồng, chủ yếu tăng nợ vay để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của Taseco Land tăng 28,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.218,8 tỷ đồng, lên 10.059,96 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 4.380,2 tỷ đồng, chiếm 43,5% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 1.971,4 tỷ đồng, chiếm 19,6% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 1.078,6 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.050,6 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Cơ cấu tồn kho của Taseco Land tại thời điểm 30/9/2023 (Nguồn: Taseco Land)

Trong kỳ, tồn kho biến động mạnh nhất, tăng 79,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.939,8 tỷ đồng (gần bằng tổng tài sản tăng thêm), lên 4.380,2 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho chủ yếu là 1.705,2 tỷ đồng dự án số 4 thuộc Khu đô thị mới trung tâm TP. Thanh Hoá; 1.456,5 tỷ đồng dự án NO1-T6 Đoàn Ngoại giao; 701,5 tỷ đồng dự án thành phần B3-CC2-A Starlake

Ngược lại, cũng tại thời điểm cuối quý III/2023, tổng nợ vay đang “phình to” khi tăng 133,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.553,3 tỷ đồng, lên 2.719,1 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 1.260,5 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 1.458,6 tỷ đồng.

Theo Nguyên Nam/Kinh tế Chứng khoán

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/vi-sao-taseco-land-be-lai-len-upcom-thay-vi-hose-nhu-ke-hoach-ban-dau-218094.html