QC 1
Thứ 4, ngày 15/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

VN-Index biến động ra sao trong quý I hàng năm

Trong 10 năm qua, chỉ số VN-Index có tới 7 lần tăng điểm trong quý I, thậm chí có nhiều năm tăng mạnh như năm 2012 (tăng 25,45%), năm 2018 (tăng 19,33%), năm 2013 (tăng 18,69%) và năm 2014 (tăng 17,23%).

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Dữ liệu thống kê từ năm 2011 tới nay cho thấy, quý I các năm thường là giai đoạn chỉ số VN-Index có biến động tích cực nhất với xác suất tăng điểm cao nhất.

Trong 10 năm qua, chỉ có 3 lần VN-Index giảm điểm trong quý I (là các năm 2011, 2016 và 2020 trong đó quý I/2020, chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm tới 31,06% bởi ảnh hưởng của COVID-19 và cũng được ghi nhận là quý “tồi tệ” nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam).

Tuy vậy, trong 10 năm qua, chỉ số VN-Index có tới 7 lần tăng điểm trong quý I, thậm chí có nhiều năm tăng mạnh như năm 2012 (tăng 25,45%), năm 2018 (tăng 19,33%), năm 2013 (tăng 18,69%) và năm 2014 (tăng 17,23%).

VN-Index có xác suất tăng điểm cao nhất trong quý I (Nguồn Cafef.vn)

Nếu xét trong quý I, tháng 1 là tháng có số liệu thống kê tích cực nhất trong 10 năm qua với xác suất tăng điểm lên tới 80% trong khi tháng 2 và tháng 3 chỉ có xác suất tăng điểm 70%. Một điểm đáng chú ý, trong 2 lần giảm điểm của tháng 1 từ năm 2011 tới nay đều khá nhẹ nhàng. Tháng 1/2016, chỉ số VN-Index giảm 5,83%, tháng 1/2020 mức giảm cũng chỉ là 2,54%.

Ở chiều ngược lại, tháng 1 năm 2012, năm 2013, năm 2014, năm 2018 đều ghi nhận đà bứt phá hơn 10% của VN-Index.

Tất nhiên bối cảnh mỗi năm một khác, nhưng dữ liệu tích cực của TTCK Việt Nam trong quý 1 cũng là yếu tố đáng để nhà đầu tư tham khảo.

(Nguồn Cafef.vn)

Động lực nào để kỳ vọng?

Một yếu tố tích cực với thị trường lúc này là dòng vốn ETFs khit hống kê nhiều năm qua cho thấy, dòng vốn ETFs thường đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý I và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy thị trường tăng điểm.

Những ngày đầu năm nay mọi chuyện tiếp tục lặp lại khi ngay trong tuần giao dịch đầu tiên, các quỹ ETFs đã mua ròng khoảng 336 tỷ đồng (14,5 triệu USD) trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Lực mua này đến từ các quỹ VFMVN Diamond ETF, VFVMVN30 ETF, VNM ETF, FTSE Vietnam ETF…

Với xu hướng các quỹ ETFs nở rộ, tại Việt Nam thời gian gần đây cũng như việc các ngân hàng Trung ương thực hiện nới lỏng tiền tệ, nhiều chuyên gia dự báo dòng tiền ETFs sẽ tiếp tục đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới qua đó hỗ trợ cho đà tăng của thị trường.

Bên cạnh yếu tố ETFs, sự bùng nổ của thị trường thời gian gần đây có dấu ấn lớn từ nhà đầu tư mới trong nước, hay còn gọi là nhà đầu tư “F0”. Năm 2020, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 393.000 tài khoản chứng khoán, tăng gấp đôi so với năm trước.

Việc nhà đầu tư “F0” ồ ạt đổ tiền vào thị trường có nguyên nhân không nhỏ từ xu hướng giảm lãi suất tiết kiệm thời gian gần đây. Với việc lãi suất tiết kiệm đang ở mức rất thấp (khoảng 5,5%/năm), nhà đầu tư đang dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như BĐS, chứng khoán. Tại các CTCK lớn những ngày này vẫn đang xuất hiện thêm hàng trăm tài khoản được mở mới mỗi ngày và điều này sẽ mang lại dòng tiền lớn tới thị trường.

Biến động của VN-Index các phiên gần đây

Chứng khoán Việt Nam đang trải qua những ngày “thăng hoa” khi chỉ số VN-Index liên tiếp tăng điểm. Chỉ trong ít ngày đầu năm, VN-Index đã bứt phá 8% lên 1.192 điểm, tiệm cận đỉnh lịch sử 1.204 điểm được thiết lập vào đầu quý 2/2018.

Theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán trong nước, chỉ số VN-Index sẽ sớm vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm và thậm chí Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) còn dự báo VN-Index có thể cán mốc 1.400 điểm trong năm nay.

Theo Minh Thuận T/H/ Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/vn-index-bien-dong-ra-sao-trong-quy-i-hang-nam-86074.html