QC 1
Thứ 5, ngày 02/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vòng xoáy nợ ở Hải Phát Invest: Từ kẻ thâu tóm thành… bị thâu tóm

Hiếm có doanh nghiệp nào mua gom và “hồi sinh” các dự án bất động sản dở dang nhanh như Hải Phát Invest. Bởi doanh nhân Đỗ Quý Hải rất tài tình trong việc huy động vốn, nhưng đây cũng lại là “gót chân Asin”.

“Cá mập” săn dự án bất động sản đói vốn

Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã: HPX) do ông Đỗ Quý Hải làm Chủ tịch Hội đồng quản trị nổi danh thương trường nhờ sở hữu quỹ dự án địa ốc lớn, có vị trí đắc địa, tổng quy mô ước tính hàng chục nghìn tỷ.

Đa phần dự án được mua lại từ các chủ đầu tư khác bị kiệt quệ tài chính… sau đó “cá mập” Hải Phát Invest đã “hồi sinh” lại các dự án, thu được lợi nhuận rất lớn.

Thương vụ đình đám nhất là vào năm 2015, Hải Phát Invest mua lại toà CT2-105 thuộc khu đô thị mới Văn Khê (Usilk City), Hà Nội với giá trị 50 tỷ đồng. Toà tháp này do Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long đầu tư, song mới chỉ xây xong phần cọc, hầm lõi thì bỏ dở dang vì cạn vốn.

Hải Phát Invest giao dự án cho Công ty đầu tư Hải Phát Thủ Đô làm chủ đầu tư, đổi tên thành HPC Landmark 105, mở bán và huy động vốn từ khách hàng.

 Hải Phát Invest thâu tóm nhiều dự án chung cư dở dang tại Hà Nội

Đến tháng 10/2019, chủ đầu tư đã bàn giao nhà cho người dân về ở, đánh dấu mốc thành công “hồi sinh” một phần dự án tai tiếng Usilk City-Thăng Long.

Dù vậy, dự án CT2-105 Văn Khê khi về tay chủ mới vẫn dính lùm xùm vi phạm về xây dựng, chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã cho người dân vào ở, bị xử phạt vi phạm…

Với định hướng nâng cấp lên mô hình “tập đoàn”, Hải Phát Invest liên tục mua gom cổ phần doanh nghiệp và các dự án bất động sản lớn.

Đơn cử, năm 2016 Hải Phát Invest đã chi hơn 200 tỷ đồng để mua 23% tương đương 10 triệu cổ phần Cienco 5 thông qua đấu giá khi Bộ Giao thông Vận tải thoái vốn. Nhờ đó, “cá mập” này từng bước đặt chân vào dự án Khu đô thị Thanh Hà- Cienco 5 (huyện Thanh Trì, Hà Nội) có tổng diện tích quy hoạch 416 ha.

Tiếp đó, đến năm 2020, Hải Phát Invest đã trúng đấu giá trọn lô 17,56 triệu cổ phần vốn nhà nước tại Cienco 5, tương ứng 40% vốn điều lệ với giá 342,42 tỷ đồng (giá trúng 19.500 đồng/CP).

Qua các đợt mua gom cổ phần, Hải Phát Invest và Hải Phát Thủ đô đã sở hữu 94,18% cổ phần Cienco 5, từ đó theo đuổi dự án BT đường trục phía Nam Hà Nội. Tại đây Cienco 5 sẽ được đối ứng các quỹ đất dự án khu đô thị Thanh Hà A và B, khu đô thị Mỹ Hưng với quỹ đất rất lớn và giá trị thương mại cao.

“Cá mập” Hải Phát Invest đã chi 700 tỷ đồng để thâu tóm 30% quỹ đất dự án khu đô thị Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội), mua một phần dự án Thăng Long Victory, dự án Roman Plaza…

Hệ sinh thái của doanh nhân Đỗ Quý Hải cũng mở rộng, bao gồm: Công ty Cổ phần Xây dựng Hải Phát, Công ty cổ phần Xây lắp Hải Phát, Công ty Cổ phần Bất động sản Hải Phát, Công ty Cổ phần Đầu tư An Thịnh, Công ty Cổ phần Hải Phát Thủ đô, Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Hải Phát PSP…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng và kinh doanh dự án, Hải Phát Invest liên tục vướng lùm xùm bị khách hàng tố cáo vi phạm.

 Cư dân căng băng rôn phản đối những bất cập tại chung cư The Pride- Hải Phát

Đỉnh điểm là cư dân toà HP Landmark Tower-The Pride phản ánh hàng loạt sự cố nguy hiểm như thang máy rơi tự do và rơi liên tục, vỡ bể phốt, cắt xén các hạng mục tiện ích, ôm tiền quỹ bảo trì chung cư của gần 2.000 hộ dân… Hay cư dân khu HHB Tân Tây Đô phản ánh vi phạm của Hải Phát về phòng cháy chữa cháy, nguy hiểm tới an toàn tính mạng…

Nguồn vốn “khủng” đến từ trái phiếu

Để thâu tóm hàng loạt dự án và triển khai xây dựng “thần tốc”, không phủ nhận Hải Phát Invest sở hữu nguồn tiềm lực tài chính lớn, dồi dào cũng như khả năng cân đối dòng tiền trong ngắn hạn.

Đến cuối năm 2017, tổng tài sản của Hải Phát Invest tăng từ gần 4.900 tỷ đồng lên 6.576 tỷ đồng và vốn điều lệ tăng gấp đôi lên 1.500 tỷ đồng.

Khi đó, tổng Nợ phải trả tăng lên tới 4.487 tỷ đồng, bằng 68,2% Tổng tài sản của doanh nghiệp và gấp 2,15 lần vốn chủ sở hữu.

Nhờ liên tục phát hành cổ phần khi niêm yết trên sàn, vốn điều lệ của Hải Phát Invest đến cuối năm 2022 đã đạt mức 3.041 tỷ đồng, giúp công ty có thêm nguồn lực để đầu tư, thanh toán nợ, nhất là nợ trái phiếu đến hạn cả nghìn tỷ đồng.

Thực tế, khi công ty ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào vốn vay (vay ngân hàng, trái phiếu, thu tiền trước của người mua…) khiến cho rủi ro tài chính lớn hơn. Mặc dù năm 2022 tổng tài sản tăng lên cao nhất hơn 6.743 tỷ đồng và giảm về 6.280 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2023, nhưng Nợ phải trả luôn duy trì ở mức cao hơn 6.000 tỷ đồng suốt 2 năm qua. Tỉ trọng nợ ngắn hạn chiếm hơn 64% tổng nợ, cho thấy Hải Phát Invest chịu áp lực trả nợ rất căng thẳng.

Đến cuối tháng 9/2023, Nợ phải trả đã giảm được hơn 1.000 tỷ đồng xuống còn 5.053 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm hơn 3.327 tỷ đồng.

Hải Phát Invest đã huy động trái phiếu nhằm phục vụ cho nhiều dự án, nhất là 4 dự án trọng điểm tại Cao Bằng, Bắc Giang, Lạng Sơn… để rồi sa chân vào “sình lầy”.

Báo cáo tài chính cho thấy, từ năm 2018-2021, Hải Phát Invest đã chào bán tới 2.842 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn từ 2-6 năm, lãi suất từ 10-11,5%/năm. Các lô trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2021- 2023-2024.

Hàng loạt các công ty chứng khoán đã tư vấn, làm đại phát phát hành trái phiếu riêng lẻ cho Hải Phát Invest. Cụ thể, Chứng khoán MB (giá trị trái phiếu gốc 650 tỷ đồng), Chứng khoán NVB (800 tỷ đồng), Chứng khoán dầu khí (250 tỷ đồng), Chứng khoán IB (300 tỷ đồng), Chứng khoán Smartinvest (500 tỷ đồng), Chứng khoán Bảo Việt (250 tỷ đồng), Chứng khoán Vietinbank (92 tỷ đồng)…

Hải Phát Invest phát hành 2.842 tỷ đồng trái phiếu, nhưng khó khăn trong việc thanh toán cho các trái chủ 

Các khoản vay trái phiếu này được đảm bảo một phần hoặc toàn bộ bằng cổ phiếu, bất động sản, dòng tiền… với tổng nợ đến cuối năm 2022 là hơn 2.568 tỷ đồng.

Nguồn vốn huy động từ bán trái phiếu rất lớn, nhưng khi thị trường chứng khoán lao dốc, “đổ vỡ” trái phiếu, bất động sản ảm đạm… là lúc “gót chân Asin” của Hải Phát Invest lộ rõ. Công ty liên tục vi phạm nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, chậm thanh toán gốc và lãi, gia hạn nợ… và áp lực đáo hạn trái phiếu càng căng thẳng hơn trong 2 năm tới.

Đối mặt với gánh nặng nợ lớn, kết quả kinh doanh của Hải Phát Invest trong vòng 5 năm qua lại đi xuống, lợi nhuận thấp dẫn tới thiếu hụt dòng tiền.

Năm 2020-2021, công ty lãi sau thuế hợp nhất lần lượt 86 tỷ đồng và gần 244 tỷ đồng, nhưng sang năm 2022 báo lỗ 60,4 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế ở mức thấp chỉ 56 tỷ đồng.

Chủ tịch Hải Phát Invest- ông Đỗ Quý Hải liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu HPX trên sàn, giờ chỉ còn sở hữu 13,43% cổ phần và giờ phải trông chờ vào nhóm cổ đông mới “giải cứu”.

Thiệt hại lớn nhất là các cổ đông, nhà đầu tư bị “thổi bay” tài sản do cổ phiếu HPX mất tới 90% thị giá, bị bán tháo giá rẻ và đình chỉ giao dịch, tạo cơ hội cho nhóm cá nhân bên ngoài thâu tóm doanh nghiệp.

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt-Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/vong-xoay-no-o-hai-phat-invest-tu-ke-thau-tom-thanh-bi-thau-tom-491206.html