QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Xét xử các vụ án tham nhũng theo nguyên tắc “3 Không”

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc điều tra, xét xử các đối tượng tham nhũng với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền.

Trao đổi với đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Tô Lâm cho biết, đấu tranh phòng chống tham nhũng là công tác rất trọng tâm của lực lượng công an triển khai trong thời gian qua. 

Bộ Công an triển khai gương mẫu, đi đầu trong khâu tổ chức thực hiện trên các phương diện. Công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực được ngành công an đẩy mạnh, tích cực, Ban Chỉ đạo Trung ương, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư đã đánh giá đây là điểm sáng trong hoạt động phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tập trung chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch nội bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao ý thức cán bộ. Cùng với đó, Bộ cũng đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, quản lý, quản trị xã hội bằng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho doanh nghiệp. Việc cải cách thủ tục hành chính sẽ giúp giảm hẳn tham nhũng vặt, giải quyết được vấn đề cử tri đang rất bức xúc. 

Thực tế, việc điều tra, quyết định truy tố, xét xử các đối tượng tham nhũng với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền đã được thực hiện tốt, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho nhà nước. Những kết quả trên đã tiếp tục đẩy mạnh phong trào phòng chống tham nhũng, tiêu cực trở thành xu thế không thể đảo ngược.

“Cần có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt quan hệ doanh nghiệp sân sau, không để tối tượng phạm tội có thể thao túng nhiều cơ quan, như vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu”, Đại tướng Tô Lâm nói.

Theo Bộ trưởng Công an, hiện nhóm tham nhũng bị xử lý với hai tội danh chính là tham ô tài sản, tức là ăn cắp tài sản của nhà nước, nhân dân, đem làm của riêng; đưa hối lộ và nhận hối lộ. 

“Chúng tôi chưa bắt đối tượng nào không nhận tiền cả. Nên ở đâu đó có ý kiến rằng vì xử lý tham nhũng mà cán bộ không dám làm là không đúng. 

Họ không chỉ làm trái, lợi dụng chức vụ quyền hạn mà còn nhận hối lộ, nên việc xử lý nhân dân rất đồng tình”, ông Tô Lâm nhấn mạnh.

Ông cho biết, vừa qua nhiều vụ án có số bị hại rất nhiều nên công tác thu hồi tài sản có ý nghĩa quan trọng. 

Đấu tranh chống tham nhũng phải thu hồi được tài sản Nhà nước và nhân dân, phải làm tốt từ khâu kê biên, kê khai tài sản, không để đối tượng tẩu tán tài sản. 

Chuyển đổi số cũng là một trong những giải pháp hạn chế tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt đang nhức nhối.

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (Ảnh: Media Quốc hội)

Hiện nay thực trạng thông tin cá nhân như số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số tài khoản cá nhân bị lộ lọt rất phổ biến. 

Người dân còn nhận các thông tin, tin nhắn lừa đảo, các liên kết (đường link) giả mạo, bị làm phiền vì các cuộc gọi mời chào, giới thiệu dịch vụ. Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp giải quyết.

Bộ trưởng Tô Lâm cho hay tình trạng mua bán, lộ lọt dữ liệu cá nhân ở Việt Nam hiện nay “rất nghiêm trọng”; tình trạng tội phạm xâm nhập đánh cắp dữ liệu cá nhân rất lớn. 

Năm 2023, Bộ Công an xử lý hàng chục triệu vụ xâm phạm cơ sở dữ liệu. 

Một trong các nguyên nhân là ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của người chưa cao, sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân cho người khác hoặc doanh nghiệp trong các giao dịch dân sự.

Theo lãnh đạo ngành Công an, việc xử lý mua bán, lộ lọt dữ liệu cá nhân chủ yếu đang thực hiện theo điều 288 Bộ Luật Hình sự về đưa, sử dụng thông tin trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông. 

Để xử lý nghiêm loại tội phạm này, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. 

Năm 2024, Bộ sẽ đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ Luật Hình sự sẽ được bổ sung tội danh làm lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân.

Theo Thành Nam/Tạp chí Việt – Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/luat-my-luat-viet/xet-xu-cac-vu-an-tham-nhung-theo-nguyen-tac-3-khong-491321.html