QC 1
Chủ nhật, ngày 30/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Xuất khẩu ấm dần, các “ông lớn” ngành Thủy sản kỳ vọng thoát lỗ

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố tại Hội nghị toàn thể hội viên năm 2024, tổng sản lượng thủy sản tháng 5/2024 ước đạt 801,3 nghìn tấn, lũy kế 5 tháng đầu năm ước đạt 3.515,2 ngàn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 38,1% kế hoạch năm 2024.

Về hoạt động xuất khẩu, sau 5 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Về cơ cấu mặt hàng, xuất khẩu cua ghẹ đang là “tâm điểm” khi tăng mạnh tới 84%, cá ngừ tăng trưởng khả quan 22%, nhuyễn thể có vỏ tăng ổn định 13%; tôm và cá tra tăng lần lượt 7% và 4%. Trái lại, xuất khẩu mực, kim ngạch xuất khẩu bạch tuộc và các loại cá đang giảm lần lượt 1% và 3%.

Thị trường thủy sản đang “ấm dần” về cuối năm 2024

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, Mỹ tiếp tục là “miền đất hứa” khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 7%. Theo sau là Hàn Quốc với mức tăng 2%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung, ngành thủy sản Việt Nam đang ấm dần lên trong nửa đầu năm 2024, với sự tăng trưởng đáng kể về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Với dư địa tiêu thụ đến từ du lịch nội địa trong quý sắp tới, đây hứa hẹn là một “mũi nhọn” của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Trước các tín hiệu khả quan từ thị trường nội địa lẫn quốc tế, cùng với những lợi thế cạnh tranh Việt Nam đang sở hữu, một loạt doanh nghiệp lớn đang “đứng ngồi không yên” khi thông qua, triển khai một loạt kế hoạch. Theo quan sát từ đầu năm 2024, ngay cả khi xuất khẩu cá chưa thực sự khả quan nhưng những công ty như Công ty CP Nam Việt (Navico, HoSE: ANV) hay “nữ hoàng” cá tra là Công ty CP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC),… đang đề cập tới kịch bản cao trong kinh doanh với mức tăng trưởng “có lãi” so với năm 2023. Thậm chí, “vua tôm” Công ty CP Camimex Group (HoSE: CMX) cũng không ngoại lệ khi muốn gia nhập “đường đua” sản xuất cá sau thương vụ M&A với nhà máy cá của công ty Hùng Vương.

Nhìn chung, các doanh nghiệp thủy sản đang ưu tiên tập trung cho kết quả kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp lại có những mục tiêu và hướng đi riêng.

Đặt kế hoạch thoát “lỗ”

Từng được phong là “vua tôm” trên thương trường niêm yết trong nhiều năm, Thủy Sản Minh Phú dự trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 cao nhất lịch sử với doanh thu đạt 18.568,7 tỷ đồng và lãi ròng đạt 1.267,5 tỷ đồng.

Kế hoạch trên khiến giới đầu tư đặt nhiều nghi vấn về Minh Phú khi doanh nghiệp này vừa lỗ kỷ lục gần 98 tỷ đồng trong năm 2023. Riêng trong quý 4/2023 vừa qua, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp rơi về 12 tỷ đồng, “bốc hơi” 95% so với cùng kỳ năm 2022.

Thực tế, trên thị trường tôm toàn thế giới, tôm Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh với tôm Ecuador. Giá thành của tôm Ecuador đang rơi vào khoảng ½ tôm của Việt Nam do cách nuôi tôm của nước bạn trái ngược với nước ta, ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT Thủy sản Minh Phú thừa nhận.

Chưa kể, giá tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong năm qua bị giảm một cách đột ngột do ảnh hưởng gián tiếp từ lãi suất cao của FED. Người dân tại Mỹ chủ yếu sử dụng tiền vay, nên lãi suất phải trả cao họ không chịu nổi, buộc phải tiết kiệm chi tiêu, kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm. Cộng hưởng với việc sản lượng bất ngờ tăng mạnh tại các nước xuất khẩu tôm như: Ecuador, Ấn Độ hay Việt Nam khiến cho cung vượt cầu, từ đó giá tôm suy giảm.

Đơn cử khác là Công ty CP Nam Việt (Navico, HoSE: ANV) đặt mục tiêu tổng doanh thu 5.000 tỷ đồng và lãi ròng 306 tỷ đồng, lần lượt vượt 13% và 685% so với thực hiện năm 2023. Với chỉ tiêu trên, HĐQT dự kiến cổ tức dao động 5 -10%.

Ngoài ra, doanh nghiệp này dự kiến trở thành doanh nghiệp cá tra có vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán phát hành thêm 133 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ thực hiện quyền 1:1. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo kiểm toán hợp nhất 2023.

Nếu thương vụ thành công, vốn điều lệ của Nam Việt Sẽ tăng gấp đôi lên mức 2.666 tỷ đồng, con số này đang vượt xa “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn hơn 800 tỷ đồng.

Thận trọng với thị trường xuất khẩu

Nhắc tới Vĩnh Hoàn, nhà đầu tư không thể bỏ qua sản phẩm chủ lực cá tra của doanh nghiệp, đây là một trong những nguyên liệu để sản xuất Collagen và Gelatin. Không chỉ có vậy, Vĩnh Hoàn đang sở hữu giá trị khép kín tự chủ gần như toàn phần, luôn giữ vững vị thế top 1 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ.

Trước tình hình khó khăn chung, quý đầu tiên của năm 2024, Vĩnh Hoàn báo lãi 169,7 tỷ đồng, giảm 22,5% so với năm thực hiện 2023. Nhận thấy thị trường xuất khẩu chưa thực sự khởi sắc, HĐQT VHC đã đặt ra 2 kịch bản, kịch bản cao và kịch bản cơ bản.

Đối với kịch bản cơ bản, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu 10.700 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến 800 tỷ đồng, giảm 12,9% so với thực hiện trong năm 2023.

Đối với kịch bản cao, doanh thu dự kiến đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến 1.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với thực hiện trong năm 2023.

Trong khi các doanh nghiệp kể trên lựa chọn hướng đi an toàn hay đặt kế hoạch lãi “khủng” thì “ông trùm” xuất khẩu tôm Công ty CP Camimex Group (HoSE: CMX) đã thống nhất cổ đông kế hoạch muốn nhảy sang lĩnh vực mới là chế biến cá (cá tuyết, cá minh thái, cá chẽm, cá hồi) và đầu tư nuôi cá (cá hồi, cá chẽm).

Nhằm thực hiện tham vọng, Camimex sẽ mua lại nhà máy cá của công ty Hùng Vương, bởi Công ty hiện có nhà máy chế biến tôm nhưng không phù hợp để sản xuất cá. Chưa kể, việc cải tạo nhà máy tôm để đầu tư máy móc cũng không phù hợp.

Trái lại, Camimex đã cho giải thể công ty con là Camimex Logistics để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Doanh nghiệp này sẽ tiếp tục thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, và tiếp tục sử dụng người lao động của Camimex Logistics theo quy định của pháp luật.

Về tình hình kinh doanh, trong quý 1/2024, Camimex đem về hơn 789 tỷ đồng doanh thu, tăng 226%;, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 31,3 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bá Tùng/ Kinh Tế Chứng Khoán