QC 1
Thứ 7, ngày 04/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Xuất khẩu thủy sản tháng 8 ‘lao đao’ vì dịch bệnh

Kết quả xuất khẩu thủy sản tháng 8 đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng của COVID-19 căng thẳng tại TP.HCM và 18 tỉnh phía Nam đối với ngành thủy sản.

Cụ thể, xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản đều giảm mạnh 36%, sang EU giảm 32% (riêng sang Hà Lan giảm gần 50%, Đức giảm 42%). Xuất khẩu sang Mỹ và Nga giảm ít nhất là 16%.

Xuất khẩu sang Anh giảm 48%, sang Australia và Canada giảm 35% và 37%.

Với kim ngạch 588 triệu USD, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 8 giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 20-33% so với cùng kỳ năm 2020.

Ảnh minh họa

So với tháng 7 (là tháng vẫn duy trì kim ngạch tăng nhờ lượng hàng dự trữ), tháng 8 xuất khẩu giảm 31%, trong đó tôm giảm mạnh nhất (giảm 36%), cá tra giảm 31%, cá ngừ và cá biển khác giảm 25%, mực, bạch tuộc giảm 23%…

Dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại khu vực trọng tâm của thủy sản Việt Nam, chiếm 90-95% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của toàn quốc cũng như lực lượng lao động của ngành hàng, gây khó khăn và áp lực đứt gãy ngày càng tăng đối với cộng đồng doanh nghiệp.

So với tháng 7/2021, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 8 giảm đi hơn 100 đơn vị. So với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ít hơn 150 đơn vị.

Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu thủy sản đạt gần 5,6 tỷ USD, còn giữ mức tăng khoảng 7% nhờ kết quả xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng cao.

Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 6,4% đạt 2,45 tỷ USD, xuất khẩu cá tra đạt 993 triệu USD, tăng 8,8%, xuất khẩu cá ngừ tăng 12%, xuất khẩu mực, bạch tuộc và cá khác tăng 4-5%.

Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu sang Mỹ vẫn duy trì được mức tăng trưởng gần 27%, sang EU tăng 10%.

Sau một thời gian giãn cách đã đủ dài, nhiều doanh nghiệp cho biết là đã đến mức báo động nếu không thể phục hồi sản xuất sớm trước 15/9.

Trong trường hợp doanh nghiệp được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách sau 15/9, thì khả năng đáp ứng được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng khá hạn chế, những đơn hàng mới hầu như khó thực hiện.

Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra bẻ lái sang thị trường Mexico vì rào cản của Trung Quốc

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu cá tra gặp khó bởi hàng rào thương mại từ Trung Quốc và sự sụt giảm nhập khẩu cá tra từ EU.

Điều này khiến các doanh nghiệp cá tra Việt Nam chuyển hướng sang các thị trường tiềm năng ở ASEAN, Trung Đông, Mỹ Latinh, đặc biệt là Mexico.

Tính tới nửa đầu tháng 8, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mexico đạt 44 triệu USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả này, Mexico hiện đã vượt Brazil trở thành thị trường xuất khẩu cá tra hàng đầu của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.

Trong quý II, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mexico tăng trưởng ấn tượng tới ba con số, tăng 166 – 232% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện nay, giá xuất khẩu trung bình cá tra phile đông lạnh sang thị trường Mexico dao động trung bình từ 1,75 – 1,82 USD/kg.

Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Mexico gia tăng đáng kể so với năm trước. Tính tới cuối tháng 7, có hơn 40 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu cá tra sang Mexico.

VASEP nhận định Mexico là thị trường với thu nhập bình quân đầu người cao thứ 2 tại khu vực Mỹ Latinh, chỉ sau Brazil. Bên cạnh đó, hệ thống thương mại tự do cùng mức thuế nhập khẩu tương đối thấp, dao động trung bình 0 – 35%. Đây cũng là thị trường nằm trong khối CPTPP.

Theo Hiệp định CPTPP, thuế suất nhập khẩu thủy sản vào thị trường Mexico sẽ về 0% kể từ năm thứ 3. Cá tra là sản phẩm thủy sản được Mexico nhập khẩu với khối lượng và giá trị lớn nhất.

Sau hơn 18 tháng đóng cửa do dịch COVID-19, từ tháng 8 Mexico đã mở cửa nền kinh tế với tâm thế “sống chung với COVID-19”. Nước này cũng đang duy trì chính sách biên giới mở để tận dụng lợi ích kinh tế, thúc đẩy sản xuất và thương mại.

Tuy nhiên, nửa đầu tháng 8, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mexico đang ở mức tăng trưởng dương ba con số đã giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân là khoảng 50% nhà máy chế biến cá tra tại ĐBSCL phải đóng cửa do không thực hiện được “3 tại chỗ” hoặc có ca nhiễm COVID-19 tại địa phương.

Trước những cơ hội ở thị trường Mexico, VASEP kỳ vọng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần sớm ổn định sản xuất sau giãn cách để duy trì đơn hàng, việc làm cho người lao động và nắm bắt được thời cơ xuất khẩu mà thị trường Mexico.

Theo Thanh Hằng/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/xuat-khau-thuy-san-thang-8-lao-dao-vi-dich-benh-102138.html