QC 1
Thứ 7, ngày 18/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Kiên quyết không ‘cứu’ dự án BOT thua lỗ do lỗi của doanh nghiệp

Nội dung này được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh trong thông báo kết luận về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Ảnh minh hoạ.

Không “cứu” dự án BOT do lỗi của doanh nghiệp

Thông báo nêu rõ Chính phủ đã trình Quốc hội về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến chỉ đạo. Lãnh đạo Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo chi tiết, cụ thể về nội dung, tiến độ.

Mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã có gắng, nỗ lực triển khai thực hiện, tuy nhiên về chất lượng, tiến độ chuẩn bị hồ sơ của Bộ Giao thông vận tải chưa bảo đảm yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm rà soát, thực hiện đúng, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản nêu trên; nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan để hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện các dự án BOT giao thông bao gồm cả dự án Bộ Giao thông vận tải quản lý và các dự án do các địa phương quản lý; rà soát kỹ lưỡng các nguyên nhân chủ quan, khách quan, những bất cập do thay đổi chính sách của nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh kiên quyết không đề xuất xử lý những dự án do nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp, nhà đầu tư (doanh nghiệp, nhà đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm theo hợp đồng đã ký).

Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm báo cáo Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng để báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về việc cho phép báo cáo vào đầu tháng 5/2024; hoàn thiện hồ sơ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Đề xuất chi 10.650 tỷ “cứu” 8 dự án BOT

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy, để giải quyết những khó khăn tồn đọng lâu năm, Bộ đề xuất Chính phủ giải pháp tháo gỡ cho 8 dự án BOT theo 3 nhóm.

Ảnh minh hoạ.

Nhóm thứ nhất là sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn ngân sách để hỗ trợ 2 dự án có doanh thu sụt giảm không có khả năng phục hồi với tổng nhu cầu vốn cần bố trí là 1.557 tỉ đồng. 

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đề xuất bổ sung 522 tỷ đồng cho dự án BOT xây dựng cầu Việt Trì – Ba Vì (cầu Văn Lang). Dự án này có tổng mức đầu tư đã được kiểm toán, quyết toán là 1.088 tỷ đồng. Với dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng (đường nối tỉnh Thái Bình, Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình), Bộ Giao thông vận tải đề xuất bổ sung 1.024 tỷ đồng để hỗ trợ, thời gian hoàn vốn khoảng 25 năm.

Nhóm thứ hai mà Bộ Giao thông vận tải đề xuất là điều chỉnh cơ chế hỗ trợ của nhà nước. Giải pháp này áp dụng đối với dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất bố trí khoảng 2.280 tỷ đồng từ nguồn thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan sang hỗ trợ dự án. Dự kiến thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 28 năm 4 tháng. Tuyến cao tốc La Sơn – Túy Loan sẽ nghiên cứu phương án thu phí nộp ngân sách.

Nhóm thứ ba là chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với 5 dự án: BOT nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91, TP. Cần Thơ (không được thu phí tại trạm T2); dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 – Km100 (không được thu phí tại trạm Quốc lộ 3); dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 – Km1763+610 (tỉnh Đắk Lắk); dự án BOT xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn; dự án đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa đoạn Km0 – Km6. Với những dự án này, Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ bố trí hơn 6.810 tỷ đồng để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Như vậy, theo Bộ Giao thông vận tải, nhu cầu vốn nhà nước cần bố trí để xử lý 8 dự án BOT nêu trên khoảng 10.650 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị sử dụng nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023. Trường hợp không thể cân đối đủ thì báo cáo Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn để xử lý.

Theo Chí Bình/ VietnamFinance