QC 1
Thứ 4, ngày 15/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Áp lực từ hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu hệ sinh thái Bamboo Capital

 Trong những năm qua, Bamboo Capital và các công ty thành viên của mình hoạt động tích cực trên thị trường trái phiếu, dẫn đến áp lực trả nợ không nhỏ trong thời gian tới. Đáng nói, đa số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều có tình hình tài chính kém khả quan.

Trong danh sách 54 doanh nghiệp có công bố thông tin bất thường liên quan đến nội dung chậm trả lãi cho trái chủ do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo mới đây có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng như BCG Energy, Điện gió Trung Nam Đak Lak 1, Điện mặt trời Trung Nam, Trung Nam Thuận Nam hay Năng lượng tái tạo Đại Dương.

Trong đó, đáng kể nhất là sự xuất hiện của Công ty Cổ phần BCG Energy – một thành viên của Công ty CP Bamboo Capital (HOSE: BCG), doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như đầu tư điện gió, bất động sản, xuất nhập khẩu và nhiều dịch vụ đầu tư khác.

Thống kê trên HNX cho thấy, hiện BCG Energy có hai lô trái phiếu đang lưu hành trên thị trường với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng. Đó là hai lô trái phiếu có mã EBCCH2124002 và EBCCH2124003 được BCG Energy huy động thành công trong năm 2021, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất cố định 10%. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo.

Thế nhưng, bức tranh tài chính BCG Energy trước khi phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu nói trên đã tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo đó. Tại Báo cáo riêng lẻ doanh nghiệp năm 2021 thể hiện, tính đến cuối năm 2020 khả năng trả nợ BCG Energy yếu khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2020, nợ ngắn hạn tại BCG Energy còn khoảng 1.207 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chỉ khoảng 157 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) tại BCG Energy là 0,13.

Theo lý thuyết, nếu hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu – là dấu hiệu báo trước cho những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Và khi hệ số này càng gần về 0, thì doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh tại BCG Energy tính đến cuối năm 2020 cũng chưa có gì khởi sắc khi doanh nghiệp này đang gánh khoản lỗ luỹ kế hơn 5 tỷ đồng. Một doanh nghiệp lỗ luỹ kế, khả năng trả nợ yếu như BCG Energy vẫn huy động thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021 cho thấy những áp lực về thanh khoản mà doanh nghiệp đang đối diện. Chính vì vậy, việc BCG Energy nằm trong danh sách những doanh nghiệp chậm trả lãi trái phiếu cũng là điều không quá bất ngờ.

Trong những năm qua, Bamboo Capital và các công ty thành viên của mình hoạt động khá tích cực trên thị trường trái phiếu. Báo cáo tài chính quý IV/2022 BCG cho thầy, tính đến cuối năm 2022, số nợ trái phiếu tại Bamboo Capital đạt 7.533 tỷ đồng, chiếm 50% nợ vay tài chính của BCG (14.935 tỷ đồng).

Đây là nguyên nhân đẩy tổng nợ phải trả của Bamboo Capital tính đến ngày 31/12/2022 xấp xỉ khoảng 30.205 tỷ đồng (gần 1,3 tỷ USD). Đồng thời, BCG phải chi 1.382 tỷ đồng để trả chi phí lãi vay trong năm 2022, tương ứng với khoảng 3,7 tỷ đồng/ngày. Đây là một trong những nguyên nhân ăn mòn lợi nhuận BCG trong năm 2022.

Theo đó, kết thúc năm 2022, Bamboo Capital thu về 4.531 tỷ đồng doanh thu, tăng 75% so với năm 2021, thế nhưng lãi ròng lại giảm 54%, về 547 tỷ đồng so với cùng kì.

Tuy nhiên, số nợ trái phiếu của các doanh nghiệp có liên quan đến Bamboo Capital trên thực tế lớn hơn nhiều so với con số hơn 7.500 tỷ đồng trên báo cáo tài chính BCG. Đơn cử, ngoài số nợ trên cần phải nhắc đến 5.250 tỷ đồng nợ trái phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Helios – doanh nghiệp do ông Nguyễn Hồ Nam và Bamboo Capital từng là cổ đông sáng lập khi doanh nghiệp này có tên cũ là Công ty Cổ phần dịch vụ Hợp Điểm (năm 2012).

Có một điều rất thú vị là, sau nhiều biến động về cơ cấu cổ đông, từ vai trò là cổ đông sáng lập Helios, đến tháng 7/2021, Helios bất ngờ trở thành cổ đông lớn của Bamboo Capital khi sở hữu 10,36% vốn điều lệ tại đây.

Đáng chú ý, dù huy động hàng nghìn tỷ đồng trong giai đoạn từ năm 2019 – 2021, thế nhưng kết quả kinh doanh Helios lại rất thiếu ổn định trong những năm qua. Cụ thể, năm 2017, doanh thu Helios khoảng 209 tỷ đồng, giảm về 157 tỉ đồng trong năm 2018, tăng lên 219 tỉ đồng năm 2019, rồi lại giảm mạnh còn 88 tỷ đồng năm 2020, và chỉ còn gần 71 tỷ đồng năm 2021.

Dù doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng, song Helios ghi nhận lợi nhuận rất ít. Năm 2017, lãi ròng của Helios hơn 2 tỷ đồng, giảm về còn hơn 100 triệu đồng năm 2018, gần 800 triệu đồng năm 2019, hơn 500 triệu đồng năm 2020 và lỗ sau thuế “kỉ lục” với 21 tỷ đồng năm 2021.

Không chỉ doanh thu bất định, lãi mỏng và lỗ sâu, tính đến cuối năm 2021, Helios đang gánh tổng nợ hơn 6.801 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu (1.981 tỷ đồng).

Theo Ngọc Cương/Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/ap-luc-tu-hang-nghin-ty-dong-trai-phieu-he-sinh-thai-bamboo-capital-post131392.html