QC 1
Thứ 4, ngày 15/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Báo lỗ nhiều năm, liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group liệu có đủ khả năng làm hàng chục nghìn căn NOXH?

Liên tục báo lỗ và nằm trong top nợ thuế của tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, điều này khiến nhiều người hoài nghi vào tham vọng xây hàng chục nghìn căn NOXH của Kim Oanh Group.

Tham vọng lớn…

Vào khoảng giữa năm 2023, bà Đặng Thị Kim Oanh – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Kim Oanh Group (Kim Oanh Group) cho biết doanh nghiệp này đã lên kế hoạch với Đề án phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp với hai giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2028. 

Cụ thể, Kim Oanh Group đặt mục tiêu sẽ phát triển 26 dự án (gồm 23 dự án nhà ở xã hội và 3 dự án nhà ở thu nhập thấp) với tổng cộng khoảng 40.000 sản phẩm; tổng mức đầu tư khoảng 31.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 1, từ nay đến năm 2026, Kim Oanh Group sẽ giới thiệu ra thị trường 14 dự án với 25.000 sản phẩm. Riêng năm 2023 sẽ giới thiệu ra thị trường 4.800 sản phẩm nhà ở xã hội thấp tầng và cao tầng tại Bình Dương và Đồng Nai.

Vừa công bố kế hoạch phát triển nhà ở thì ngay lập tức doanh nghiệp này lại bị Thanh tra Bộ Xây dựng điểm tên bởi 2 dự án Mega City (Khu dân cư Cầu Đò) và Golden Center City (Khu dân cư Mỹ Phước 4, khu A và khu B) tại thị xã Bến Cát chưa dành đủ đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ.

Báo lỗ nhiều năm, liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group liệu có đủ khả năng làm hàng chục nghìn căn NOXH? - Ảnh 1
Nhiều dự án do Kim Oanh Group phát triển rơi vào tình cảnh hoang vắng sau nhiều năm triển khai.

Gần đây nhất, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM (công ty thành viên của Kim Oanh Group) cũng được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới (còn gọi là dự án Hòa Lân) với quy mô gần 50ha và tổng vốn đầu tư là hơn 14.800 tỷ đồng.

Theo chủ đầu tư, mục tiêu của dự án này là biến một vùng đất hoang sơ này thành một khu đô thị cao cấp hàng đầu tại Bình Dương. Kết hợp nhà ở và các công trình thương mại, giáo dục, vui chơi giải trí với hệ thống hạ tầng hiện đại và đảm bảo kết nối đồng bộ với mạng lưới giao thông của khu vực. Sản phẩm chính của dự án này bao gồm shophouse, nhà phố liền kề, biệt thự compound, căn hộ… Dự định, chủ đầu tư sẽ tiến hành đầu tư và giới thiệu ra thị trường ngay trong năm 2024.

Hiện nay, hệ sinh thái của Kim Oanh Group đang sở hữu hàng chục dự án bất động sản ở các địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu,… Thế nhưng, song hành với những ước vọng lớn, đơn vị vị cũng vướng nhiều “lùm xùm” như nợ thuế, xây dựng không phép, bán bất động sản cho khách hàng khi không có giấy phép, chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý…

Bức tranh tài chính ảm đạm

Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh (Địa ốc Kim Oanh) nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group được thành lập 6/2020 tại 268A Phan Trung, Phường Tân Mai, TP. Biên Hoà, Tỉnh Đồng Nai với người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT công ty là ông Đặng Văn Quy là doanh nghiệp chuyên về bất động sản.

Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu doanh nghiệp gồm: Ông Đặng Văn Quy sở hữu 70%, ông Nguyễn Văn Triển sở hữu 20% và bà Nguyễn Thị Thiên Nga sở hữu 10%. Trong đó, ông Nguyễn Văn Triển cũng đang giữ vai trò Giám đốc tài chính.

Trong năm đầu hoạt động, Địa ốc Kim Oanh ghi nhận 178 tỷ đồng doanh thu và gần 42 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, doanh thu giảm sâu xuống 25,3 tỷ đồng và công ty lỗ tới 194 tỷ đồng. Kết quả là tại ngày 31/12/2021, Địa ốc Kim Oanh âm vốn chủ sở hữu 52 tỷ đồng.

Báo lỗ nhiều năm, liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group liệu có đủ khả năng làm hàng chục nghìn căn NOXH? - Ảnh 2
Dự án Hòa Lân (Bình Dương) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM làm chủ đầu tư sẽ đi về đâu khi bức tranh tài chính của Kim Oanh không tốt trong những năm qua?

Đến năm 2022, doanh thu của đơn vị này tăng lên mức 301 tỷ đồng. Dù doanh thu tăng cao nhưng vẫn bị ghi nhận lỗ sau thuế gần 40 tỷ đồng. Khép lại một năm đầy khó khăn, ngày 31/12/2022 Địa ốc Kim Oanh gánh lỗ lũy kế 192 tỷ đồng và ghi nhận âm gần 92 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Tương tự, tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM (Chủ đầu tư dự án Hòa Lân) trong những năm gần đây cũng không thật sự khả quan. Theo đó, tính đến ngày 31/12/2022, doanh nghiệp nay ghi nhận lỗ lũy kế đến 765 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM  còn là pháp nhân ôm số nợ “khủng” của Kim Oanh Group, với tổng nợ vay tín dụng 2.551 tỷ đồng, theo số liệu tài chính năm 2022. Cộng thêm các khoản nợ thương mại phát sinh từ kinh doanh, nợ phải trả lên tới 4.172 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu là 434 tỷ đồng.

Ngoài hai pháp nhân kể trên, trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group còn nổi bật với cái tên Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (Công ty Thuận Lợi). So với hai người “anh em” kể trên, tình hình tài chính của doanh nghiệp này cũng rất thảm bại. Tính đến cuối năm 2022, lỗ lũy kế hơn 656 tỷ đồng. Cá biệt năm 2021, doanh nghiệp này báo lỗ tới 579 tỷ đồng, do lỗ gộp 125 tỷ đồng và trả lãi vay 232 tỷ đồng, kèm theo 69 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp và 153 tỷ đồng chi phí khác.

Trước thực tế bức tranh tài chính “ảm đạm” của những thành viên trong hệ sinh thái Kim Oanh Group thì liệu rằng Kim Oanh Group có đủ khả năng hoàn thiện những tham vọng lớn.

Dự án “treo” tồn tại là do mục tiêu lợi nhuận?

Trao đổi với Phóng viên Kinh tế Môi trường về vấn đề doanh nghiệp ôm đất xong bỏ hoang, PGS.TS Lưu Đức Hải – Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, hiện nay, ở nhiều địa phương đều xuất hiện tình trạng các dự án “treo”. Và những dự án treo này gây ra hệ lụy ở nhiều mặt như: Người dân thì không làm được gì vì đất đã nằm trong phạm vi quy hoạch, còn nhà nước thì không thu được tiền thuế bởi doanh nghiệp không đầu tư thì không có cơ sở để tính thuế. Từ đó dẫn đến việc lãng phí tài nguyên đất, môi trường đầu tư khu vực đó bị cản trở, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội toàn vùng và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân trong khu vực.

Theo PGS. TS Lưu Đức Hải, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “treo” dự án thì thường là do mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi đất còn giá trị thấp thì họ cứ xin quy hoạch, chờ đến khi giá đất lên cao thì họ đầu tư hoặc cũng có những trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai thực hiện thì họ sẽ tìm đơn vị khác có đủ năng lực rồi chuyển giao để thu lợi nhuận chênh lệch. Hoặc thời điểm được chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp cảm thấy cơ hội đã qua đi và không còn mặn mà cho việc triển khai thực hiện.

Vấn đề thứ hai, ban đầu khi xin chủ trương, doanh nghiệp đều phải bỏ ra một số tiền và khi dự án thu hồi thì nhà nước phải hoàn trả số tiền đó cho nhà đầu tư. Và nguồn tiền để hoàn trả cho nhà đầu tư thì cũng là một vấn đề cần phải cân nhắc và tính toán. Bên cạnh đó, có thể chính quyền chưa tìm được nhà đầu tư mới có đủ tiềm lực để thực hiện đầu tư mới thay thế thì họ cũng vẫn sẽ để tạm đó.

Vấn đề thứ 3, giữa chính quyền và nhà đầu tư có thể có sự móc nối nào đó và không muốn bị lộ ra ngoài, đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc chính quyền không mạnh dạn trong công tác thu hồi các dự án “treo”.

“Để có thể giải quyết dứt điểm các dự án “treo” nhiều năm thì ngành chức năng từ Trung ương tới địa phương cần phải tăng cường công tác giám sát, xử lý. Cụ thể, nếu dự án để lâu không thực hiện thì cần phải được thanh tra, thanh tra quy trình giao, cho thuê đất và tại sao không triển khai thực hiện?

Sau thanh tra cần nhanh chóng quyết định hoặc là gia hạn hoặc là thu hồi, hủy bỏ dự án và giao cho đơn vị có đủ năng lực để thực hiện. Đồng thời, việc thanh tra cũng sẽ tác động đến nhà đầu tư, bởi nếu không triển khai thực hiện thì họ có thể mất cơ hội đầu tư và từ đó họ sẽ có động thái để thực hiện.

Song song cùng việc chấp thuận chủ trương, chính quyền cần bàn bạc kỹ lưỡng và thống nhất với doanh nghiệp về khả năng thực hiện, thời gian thực hiện,.. nếu làm thì phải làm ngay, còn không làm được thì kiên quyết thu hồi, hủy bỏ dự án” –  PGS. TS Lưu Đức Hải nhấn mạnh.

Theo T. T/ Kinh Tế Môi trường