QC 1
Thứ 5, ngày 02/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bộ Xây dựng thoái xong 49% vốn tại Tổng công ty Sông Hồng

Hai nhà đầu tư đã trúng đấu giá mua toàn bộ 13,24 triệu cổ phần của Tổng Công ty Sông Hồng với giá 10.500 đồng/CP. Như vậy, Bộ Xây dựng đã thoái hết 49% vốn tại doanh nghiệp này và thu về gần 140 tỷ đồng.

Gian nan thoái 49% vốn Nhà nước

Bộ Xây dựng vừa bán đấu giá thành công 13,24 triệu cổ phiếu SHG, tương ứng 49,04% vốn điều lệ tại Tổng Công ty CP Sông Hồng (HNX: SHG) vào ngày 22/12 vừa qua. Mức giá trúng đấu giá là 10.500 đồng/CP, ngang bằng mức giá khởi điểm, nhưng cao gấp 4 lần thị giá trên sàn UPCoM (ở mức 2.500 đồng/CP).

Ước tính, số tiền mà Bộ Xây dựng có thể thu về là gần 140 tỷ đồng và không còn là cổ đông tại Tổng công ty Sông Hồng.

Được biết, bên mua là một tổ chức đã trúng 13,23 triệu cổ phiếu SHG và một nhà đầu tư cá nhân đã mua 11.200 cổ phiếu.

Trong phiên giao dịch ngày 22/12/2023, cổ phiếu SHG bất ngờ tăng kịch trần lên 3.100 đồng/CP sau thông tin phiên bán đấu giá thành công.

Hành trình Bộ Xây dựng thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Sông Hồng khá gian nan

Nhìn lại quá khứ, hành trình Bộ Xây dựng thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Sông Hồng khá gian nan khi doanh nghiệp này làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, cổ phiếu giảm sâu chỉ ngang giá “trà đá”…

Hồi cuối năm 2020, Bộ Xây dựng từng thực hiện thoái hết 49,04% vốn tại SHG với mức giá 10.000 đồng/CP (thời điểm đó thị giá SHG là 2.200 đồng/CP). Tuy nhiên, ngày 23/12/2020, HNX thông báo phiên đấu giá bị tạm dừng để “chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền”.

Lý do là Nghị định số 140/2020-NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần) không quy định điều khoản chuyển tiếp đối với trường hợp các đơn vị đã phê duyệt phương án thoái vốn trước ngày 30/11/2020.

Tổng công ty Sông Hồng thuộc diện phải thoái vốn nhà nước trước ngày 30/11/2020, theo Quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu quá hạn mà thoái vốn không thành công, Tổng công ty sẽ được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trước ngày 31/12/2020.

Tuy nhiên, đến nay Bộ Xây dựng mới thực hiện thoái vốn tại SHG và đưa mức giá khởi điểm đấu giá lần 2 chỉ cao hơn 500 đồng/CP so với lần trước.

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu SHG giảm sâu dưới mệnh giá, đi ngang quanh 2.000 đồng/CP, thanh khoản gần như không có suốt thời gian dài, nên kém hấp dẫn nhà đầu tư.

Hơn nữa, cổ phiếu SHG đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do công ty không tổ chức Đại hội cổ đông thường niên trong 2 năm tài chính liên tiếp, bị âm vốn chủ sở hữu…

Sau cổ phần hoá, SHG liên tục báo lỗ

Tổng công ty Sông Hồng có tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì, trực thuộc Bộ Xây dựng. Công ty hoạt động chính gồm: xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, xây dựng hạ tầng đô thị và khu công nghiệp…

Thời kỳ huy hoàng, Tổng công ty Sông Hồng từng tham gia xây dựng hàng loạt công trình lớn như Sân bay Nội Bài (Hà Nội), Nhà máy Giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), Sân bay Sao Vàng (Thanh Hoá), Nhà thi đấu đa năng TP. Đà Nẵng, dự án chung cư 165 Thái Hà (Hà Nội), Nhà thi đấu thể dục thể thao Nam Định, Dự án Khu nhà máy chính và khu hành chính – Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh), dự án chung cư ở Kim Liên, Giảng Võ (Hà Nội)…

Cuối năm 2009, Tổng công ty Sông Hồng thực hiện đấu giá lần đầu (IPO) thành công gần 7 triệu cổ phần với giá chốt là 22.290 đồng/CP, cao hơn 59% so với mức giá khởi điểm (14.000 đồng/CP). Sau cổ phần hoá, Bộ Xây dựng vẫn nắm giữ 49,04% vốn nhà nước tại đây cho đến khi thoái sạch vốn.

Tuy nhiên, sau cổ phần hoá, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Sông Hồng ngày càng sa sút, bết bát với nhiều năm liền báo lỗ, dẫn tới lỗ luỹ kế lên tới 1.293 tỷ đồng (tính đến 30/6/2023).

Sau cổ phần hoá, Tổng công ty Sông Hồng ngày càng sa sút, liên tục báo lỗ suốt 1 thập kỷ qua.

Trong vòng một thập kỷ qua, Tổng công ty Sông Hồng ghi nhận có tới 9 năm kinh doanh thua lỗ. Các khoản lỗ sau thuế từ năm 2015 đến năm 2022 lần lượt là số âm 85,1 tỷ đồng; -187,1 tỷ đồng; -55,5 tỷ đồng; -387,5 tỷ đồng; -72,8 tỷ đồng; -56,9 tỷ đồng; -57,5 tỷ đồng và -178,2 tỷ đồng.

Liên tục thua lỗ lớn khiến cho vốn chủ sở hữu của SHG bị âm 987 tỷ đồng.

Không chỉ thua lỗ nặng, mà Tổng công ty Sông Hồng còn chìm trong nợ nần chồng chất, gây nguy cơ mất vốn nhà nước.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2023 (đã soát xét), doanh thu của Tổng công ty Sông Hồng chưa đầy 4 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp báo lỗ sau thuế gần 27 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế tại thời điểm 30/6/2203 lên tới 1.293 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả lên đến 1.972 tỷ đồng, trong đó, chiếm tới 1.723 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và gấp hơn 2 lần tài sản ngắn hạn (807 tỷ đồng) cho thấy áp lực trả nợ rất căng thẳng .

Tổng công ty Sông Hồng giải trình rằng, do gặp khó khăn trong công tác thu hồi vốn tại các công trình, dẫn đến đọng vốn lớn, bị phát sinh chi phí vốn và giảm uy tín đối với các tổ chức tín dụng. Tình hình tài chính bết bát, mất cân đối nghiêm trọng cũng khiến doanh nghiệp không có khả năng trúng thầu.

Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán độc lập là Công ty TNHH Kiểm toán CPA VIETNAM đưa ra hàng loạt kết luận ngoại trừ.

Cụ thể, CPA Việt Nam chưa thu thập được biên bản đối chiếu các khoản nợ phải thu của SHG và công ty con tại ngày 30/6/2023 là 119,05 tỷ đồng.

Công ty cũng không thu thập được bằng chứng đối chiếu các khoản nợ phải trả của SHG và công ty con là 348,96 tỷ đồng. Do đó, đơn vị kiểm toán không thể đưa ra ý kiến về các khoản nợ phải thu, nợ phải trả này…

CPA Việt Nam còn lưu ý: do cách thức quản lý của các công ty con nên kiểm toán viên không thể tham gia chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho tại ngày 30/6/2023 của các công ty con, nên không thể đánh giá được tính hiện hữu, đầy đủ và giá trị của hàng tồn kho là 209,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, kiểm toán cũng chưa thu thập được báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm 2023 của Công ty CP Sông Hồng Đà Nẵng – công ty con của Tổng công ty Sông Hồng (do công ty này đã dừng hoạt động, không có cán bộ quản lý và kế toán), Công ty CP Sông Hồng 36, Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Sông Hồng, Công ty CP Sông Hồng 8.

Mặc dù tình hình tài chính “có vấn đề”, song ngay trước thời điểm Bộ Xây dựng thoái vốn, các lãnh đạo của SHG cũng đồng loạt bán hết cổ phần. Cụ thể, trong tháng 8/2023, ông Lã Tuấn Hưng, Uỷ viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc đã bán 2,58 triệu cổ phần SHG.

Ngược lại, bà Trần Thị Thanh Hà đã mua vào đúng số lượng 2,58 triệu cổ phần SHG vào ngày 11/8/2023 và trở thành cổ đông lớn nắm 9,56% vốn tại đây.

Vào ngày 28/7/2023, hai cổ đông lớn là ông Nguyễn Anh Trung đã bán hết 4,02 triệu cổ phiếu SHG, ông Nguyễn Trung Kiên bán 2,99 triệu cổ phiếu SHG.

Cùng ngày, bà Nguyễn Thương Huyền đã mua hơn 7 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn nắm 25,96% vốn tại SHG.

Như vậy, tổng lượng sở hữu của bà Trần Thị Thanh Hà và bà Nguyễn Thương Huyền đã vượt hơn 36% vốn điều lệ và nắm tỷ lệ phủ quyết lớn tại Sông Hồng.

Liệu rằng 2 cá nhân này có mối quan hệ như thế nào với tổ chức bí ẩn đã trúng đấu giá ôm lô 49% cổ phần SHG? Và 3 cổ đông lớn này sẽ xử lý khắc phục thua lỗ và nợ nần hàng nghìn tỷ của Sông Hồng ra sao, là điều đáng quan tâm.

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt -Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/bo-xay-dung-thoai-xong-49-von-tai-tong-cong-ty-song-hong-491952.html