QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bóng dáng doanh nghiệp bất động sản đằng sau nhiều ngân hàng

Việc các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có nhiều đại gia bất động sản tham gia vào lĩnh vực ngân hàng dấy lên lo ngại liệu có xảy ra tình trạng tiền gửi tại ngân hàng chẩy về túi công ty sân sau?

Qua vụ án Vạn Thịnh Phát dấy lên nhiều lo ngại về việc doanh nghiệp bất động sản đúng sau các ngân hàng.

Bộ Công an vừa có Kết luận điều tra, đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 86 bị can về hành vi “rút ruột” Ngân hàng SCB với số tiền lên đến hơn 304.000 tỷ đồng. Theo đó, bà Lan cùng những người liên quan là cổ đông lớn tại SCB, thời điểm ít nhất cũng sở hữu trên 85% cổ phần. Nữ doanh nhân đã sử dụng SCB làm kênh huy động vốn cho cá nhân và hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.

Trước đó, nhiều vụ án rúng động dư luận về việc ngân hàng cho doanh nghiệp sân sau vay gây hậu quả nghiêm trọng như vụ án ông Trầm Bê và Sacombank, Ocean Bank và ông Hà Văn Thắm hay “bầu” Kiên và ngân hàng ACB. Thực tế, thời gian qua, tình trạng các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các đại gia bất động sản tham gia vào lĩnh vực ngân hàng dấy lên nhiều lo ngại liệu có xảy ra tình trạng tiền huy động của ngân hàng liệu có chảy vào các doanh nghiệp sân sau hay không?

Công ty Cổ phần Him Lam (Him Lam Corp) tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Him Lam được thành lập từ năm 1994 tại TP.HCM. Him Lam Corp là hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là bất động sản với khoảng 70 dự án đình đám tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM.

Ông Dương Công Minh (63 tuổi) chiếm phần lớn cổ phần tại Him Lam Corp và giữ chức Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này suốt một thời gian dài. Từ tháng 6/2017, ông Minh được bầu làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với khoảng 3,3% tỷ lệ cổ phần sở hữu tại nhà băng này. Từ ngày 15/1//2018, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực, lúc này ông Minh mới từ chức Chủ tịch HĐQT tại Him Lam.

Trong thời gian này, Sacombank đã cho 9 khách hàng doanh nghiệp vay tiền với tổng dư nợ tính đến tháng 8/2018 là 9.262 tỷ đồng, chiếm hơn 48% tổng vốn tự có của ngân hàng này tại thời điểm đó. Mục đích vay của 9 khách hàng này đều cùng để nhận chuyển nhượng và đầu tư một dự án, việc thẩm định năng lực tài chính chỉ dừng lại ở 9 pháp nhân này, không thẩm định với đơn vị thực hiện dự án, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. 9 doanh nghiệp đều liên quan trực tiếp hoặc có mối liên hệ với Him Lam Corp.

Ngoài ra, theo ghi nhận của Ngày Nay, thời gian qua Sacombank cũng tài trợ tín dụng cho một số dự án liên quan đến Him Lam Corp. Hoạt động tín dụng giữa ngân hàng do ông Dương Công Minh làm Chủ tịch HĐQT với doanh nghiệp do vị doanh nhân này nắm phần lớn cổ phần dấy lên nhiều lo ngại. Bởi lẽ, tại Sacombank đã từng xảy ra việc Phó Chủ tịch HĐQT trước đây là ông Trầm Bê cùng thuộc cấp đã cho Dương Thanh Cường vay vốn trái luật tại Ngân hàng Phương Nam (đã sát nhập vào Sacombank) gây thiệt hại 505 tỷ đồng.

Sacombank cho hệ sinh thái của Him Lam Corp vay nhiều gói tín dụng dấy lên lo ngại.

Trước khi tham gia vào Sacombank, ông Minh từng có thời gian giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên Việt (LienVietPostBank, nay là LPBank) trong nhiều năm với 15% tỷ lệ cổ phần cùng 5% cổ phần của người thân. Nhưng hiện nay nhóm ông Minh đã rút khỏi LPBank, chỉ còn giữ lại một tỷ lệ cổ phần nhỏ.

Liên quan đến LPBank, tháng 12/2022, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) được bầu làm Chủ tịch HĐQT nhà băng này. Ông Thụy nổi danh với vị trí Chủ tịch HĐQT nhiều doanh nghiệp đình đám như Xuân Thành Group, Công ty CP Thaiholdings,… Trong đó Thaiholdings là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, bao gồm tòa nhà LienVietPostBank Tower, nơi đặt trụ sở chính của LPBank. Trước khi bầu Thụy làm Chủ tịch HĐQT LPBank, Thaiholdings từng vay hàng trăm tỷ tại ngân hàng này. Được biết, thời điểm hiện tại nhóm bầu Thụy đã thoái vốn khỏi Thaiholdings.

Ngoài ra, Tập đoàn T&T (T&T Group) và Ngân hàng SHB cũng có mối quan hệ khăng khít suốt nhiều năm qua. Ông Đỗ Quang Hiển, hiện nay là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB, trước đó đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T, nhưng đã từ nhiệm khỏi vị trí này từ năm 2022. Con trai ông Hiển là Đỗ Vinh Quang hiện giữ ghế Phó Chủ tịch HĐQT tại T&T Group.

Trên website của mình, T&T Group giới thiệu là cổ đông lớn, tham gia quản trị và điều hành tại các định chế tài chính có sức ảnh hưởng & nằm trong TOP 10 Việt Nam, bao gồm Ngân hàng TMCP SHB, Công ty CP Chứng khoán SHS & Tổng Công ty Bảo hiểm BSH. Được biết, ông Đỗ Quang Hiển cùng người thân nắm giữ khoảng 20% cổ phần tại SHB. Tập đoàn T&T hoạt động trong nhiều lĩnh vực, gồm cả bất động sản với nhiều dự án tại 40 tỉnh thành trong cả nước.

Năm 2021, một số lãnh đạo cấp cao của Sun Group bắt đầu tham gia vào các vị trí lãnh đạo tại Ngân hàng Quốc dân (NCB), nổi bật là bà Bùi Thị Thanh Hương – Tổng Giám đốc Sun Group hiện nay giữ chức Chủ tịch HĐQT của NCB. Từ đầu năm 2022, Sun Group bắt đầu xuất hiện trong danh sách các cổ đông mới của NCB.

Kịch bản tại NCB cũng khá tương đồng tại Ngân hàng KienLongBank (KLB) khi Chủ tịch HĐQT của nhà băng này hiện nay là bà Trần Thị Thu Hằng từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng tại Shunshine Group. Ngoài ra, 4 thành viên khác của Shunshine cũng giữ các vị trí lãnh đạo tại KLB hiện nay. Được biết, riêng 5 người của Shunshine Group đang lãnh đạo tại KLB nắm giữ gần 10% cổ phần của ngân hàng này.

Đầu năm 2023, nhiều thành viên trong HĐQT và lãnh đạo của Bamboo Capital bắt đầu tham gia vào các vị trí thành viên HĐQT của Ngân hàng Eximbank. Được biết, nhóm cổ đông của ông Nguyễn Hồ Nam (Chủ tịch HĐQT Bamboo Calital) hiện giữ một tỷ lệ cổ phần tại Eximbank.

Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SEABank) hiện nay là bà Nguyễn Thị Nga cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn BRG. Được biết, bà Nga cùng người thân đang nắm giữ một số cổ phần tại SEABank.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn MIK Group Việt Nam (MIK Group) được thành lập từ năm 2014. Dù mới thành lập nhưng tập đoàn này đã đầu tư vào hàng loạt dự án nghìn tỷ. Trái ngược với những trường hợp kể trên, tại MIK Group, VP Bank đang nắm giữ gần 10% cổ phần của Tập đoàn này.

Ngoài những doanh nghiệp bất động sản kể trên, nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế khác cũng đầu tư vào các ngân hàng, có thể kể đến như Tập đoàn SOVICO được xác định là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng HDBank hay Tập đoàn DOJI tham gia vào TPBank.

Theo Khắc Thành/Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/bong-dang-doanh-nghiep-bat-dong-san-dang-sau-nhieu-ngan-hang-post140581.html