QC 1
Thứ 4, ngày 01/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Các ngân hàng mua bắt buộc khó tìm được nhà đầu tư có năng lực

Với thực trạng tài chính hiện nay của các ngân hàng mua bắt buộc, việc tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực tài chính và năng lực quản trị tham gia xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng này gặp rất nhiều khó khăn và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư.  

Triển khai có hiệu quả đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng là một trong các yêu cầu quan trọng với ngành ngân hàng, được nêu không chỉ tại một nghị quyết của Quốc hội. Trong công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đã đạt được những kết quả quan trọng theo đúng mục tiêu, lộ trình đề ra tại đề án, tạo sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Kết quả này thể hiện ở năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm. Thống kê cho thấy, đến cuối tháng 3/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 578,9 nghìn tỷ đồng, tăng 0,45% so với cuối năm 2018 và tăng 13% so với cuối năm 2017. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 792,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2018 và 20,1% so với cuối năm 2017.

Các ngân hàng mua bắt buộc khó tìm được nhà đầu tư có năng lực. Ảnh minh họa

Kết quả cơ cấu lại còn thể hiện qua chất lượng tín dụng được cải thiện. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đối với các ngân hàng mua lại bắt buộc và ngân hàng Đông Á (DAB), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, sau khi được phê duyệt chủ trương, NHNN đã khẩn trương tiến hành các bước để tái cơ cấu và xử lý đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, thực hiện kiểm toán độc lập đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Khó khăn nữa cũng được nêu tại báo cáo là tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các tập đoàn/tổng công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của tập đoàn/tổng công ty nhà nước.

Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức yếu kém gặp nhiều khó khăn do để xử lý dứt điểm nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời của các tổ chức tín dụng này đòi hỏi phải có cơ chế phân bổ tổn thất, giảm nhẹ gánh nặng tài chính bằng chính sách tài chính phù hợp để tổ chức tín dụng hấp thụ dần tổn thất, vượt qua được khó khăn tài chính. Bên cạnh đó, việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản đảm bảo của các ngân hàng mua bắt buộc khó khăn do phần lớn tài sản đảm bảo cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh, NHNN nhìn nhận.

Tại báo cáo, NHNN cũng không quên nêu vấn đề việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chỉ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Theo Văn Khương/Thời báo chứng khoán

Tags: