QC 1
Thứ 4, ngày 26/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Các ngân hàng muốn phát hành 283.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn

VIS Rating cho rằng, các ngân hàng đã tăng cường phát hành trái phiếu dài hạn trong những năm gần đây để bổ sung nguồn vốn và an toàn vốn nhằm tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động.

Các chuyên gia của VIS Rating nhận định tăng trưởng tiền gửi đã chậm lại do điều kiện hoạt động kinh doanh suy giảm trong giai đoạn 2021-2022 đã thúc đẩy hoạt động huy động vốn trái phiếu để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của ngành ngân hàng tăng mạnh và đạt đỉnh ở mức 101% do huy động tiền gửi cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn.

Với các quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ an toàn tài chính, chuyên gia của VIS Rating cho rằng trái phiếu thường và trái phiếu tăng vốn cấp 2 do ngân hàng phát hành đều có thể được sử dụng để đáp ứng các tỷ lệ quy định, bởi các trái phiếu này giúp cải thiện sự ổn định về nguồn vốn cho ngân hàng.

Theo đó, các ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu dài hạn trong những năm gần đây để bổ sung nguồn vốn và an toàn vốn nhằm tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động.

(Ảnh minh hoạ)

Các ngân hàng đã phát hành tổng cộng 196.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2023, cao hơn mức 104.000 tỷ đồng năm 2019; và trái phiếu tăng vốn cấp 2 chiếm 35% quy mô trái phiếu phát hành. Các ngân hàng sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu để hỗ trợ cho các khoản cho vay dài hạn và đáp ứng các tỷ lệ theo quy định: kiểm soát tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dưới 30% và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi ở mức 85%.

Theo VIS Rating, phần lớn trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ do các ngân hàng quốc doanh phát hành, tiếp đến là một số ngân hàng quy mô vừa và lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh và một vài ngân hàng nhỏ có lợi nhuận yếu hơn so với các ngân hàng cùng nhóm. Tính đến cuối năm 2023, 72% trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh, trong khi 98% trái phiếu thường (senior), không có tài sản đảm bảo được phát hành bởi các ngân hàng cổ phần tư nhân.

Trong 5 năm qua, các ngân hàng Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn thị trường để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn và đảm bảo các yêu cầu về an toàn vốn cho tăng trưởng kinh doanh trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi chậm lại.

Khi tăng trưởng tín dụng hồi phục trong 1-3 năm tới, VIS Rating cho rằng các ngân hàng sẽ cần hơn 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 để bổ sung nguồn vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn.

Lợi nhuận ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhưng nếu không có tăng vốn cổ phần mới, tỷ lệ an toàn vốn sẽ giảm dần đặc biệt đối với các ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng tư nhân.

Trong ba năm tới, VIS Rating kỳ vọng khoảng 55% trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh do vốn cấp 2 của các ngân hàng này sẽ bị khấu trừ đáng kể.

Theo quy định hiện hành, giá trị mệnh giá phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được ghi nhận vào vốn tự có sẽ bị khấu trừ 20% mỗi năm trong 5 năm cuối của kỳ hạn trái phiếu. Các ngân hàng đang gặp vấn đề về rủi ro tài sản hoặc không thể huy động vốn cổ phần mới sẽ cần phát hành thêm trái phiếu tăng vốn cấp 2. VIS Rating cho rằng trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ giúp thay thế những trái phiếu hiện có đang bị khấu trừ hoặc bị mua lại sớm và/hoặc bù đắp sự tăng trưởng của tài sản có trọng số rủi ro.

Một vài ngân hàng tư nhân nhỏ có khả năng sinh lời yếu sẽ phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ 3-4% tỷ lệ an toàn vốn. Ngoài ra, một số ngân hàng tư nhân quy mô vừa và lớn sẽ sử dụng trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao.

“Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu đầu tư trái phiếu tăng vốn cấp 2 của các nhà đầu tư cá nhân vẫn duy trì ở mức cao. Nhà đầu tư cá nhân nắm giữ phần lớn trái phiếu tăng vốn cấp 2 được chào bán ra công chúng, chủ yếu là do lợi suất của các trái phiếu này cao hơn so với tiền gửi và trái phiếu thường. Trái phiếu ngân hàng chủ yếu được phát hành riêng lẻ để giúp các tổ chức phát hành huy động vốn trong khoảng thời gian ngắn với các yêu cầu tối thiều về hồ sơ và tài liệu quy định”, chuyên gia của VIS Rating cho hay.

Theo đó, VIS Rating kỳ vọng ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 ra công chúng nhiều hơn để có thể khai thác nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân, vì các tổ chức phát hành sẽ không còn được phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân cho trái phiếu tăng vốn cấp 2 sẽ được hỗ trợ một phần bởi việc chưa có trường hợp trái phiếu ngân hàng nào bị chậm trả gốc/lãi trong bối cảnh tỷ lệ chậm trả gốc/lãi trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng cao.

Theo Hải Đường/ VietnamFinance