Kể từ khi nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực, đã có 21 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với khối lượng lên tới 17.713 tỷ đồng. Đây cũng là nhóm ngành có lãi suất cao nhất, phổ biến trên 10%/năm. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu với mức lãi suất trên 14,5%/năm.
Các ông lớn địa ốc đua phát hành trái phiếu
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng là nhóm ngành thường có tỷ lệ vốn vay cao. Thời gian qua, các doanh nghiệp nhóm này đang phải tìm đến kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn, do thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ thắt chặt dòng tín dụng ngân hàng cho vay bất động sản thông qua quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của tổ chức tín dụng từ 45% dần về mức 30% trong năm 2021-2022.
Kể từ khi Nghị định 163/CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực, đã có 21 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với khối lượng lên tới 17.713 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân 3 năm.
Số liệu thống kê cho thấy đối với doanh nghiệp bất động sản, lãi suất phát hành phổ biến dao động từ 9,5%-11,5% cho các kỳ hạn từ 2 -5 năm; trong đó, trái phiếu có lãi suất dưới 10% chiếm 43,1% tổng khối lượng phát hành, lãi suất từ 10%-11%/năm chiếm 33,4%, lãi suất từ 11%-12%/năm chiếm 22,7%, trái phiếu có lãi suất 12% chiếm 3,9%, trái phiếu có lãi suất phát hành trên 12% chiếm 0,7% lượng phát hành.
Có lãi suất cao nhất trong nhóm này có thể kể đến Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR), công ty này phát hành tổng 850 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp 3 lần với mức lãi suất lần lượt là 14,5%, 12% và 10,5%;
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (HoSE: NVL) phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, qua 2 đợt, mỗi đợt 200 tỷ đồng, lãi suất đều xấp xỉ 11%.
Công ty Cổ phần Ðầu tư Văn Phú – Invest (VPI) cũng tung ra 8.000 trái phiếu với tổng trị giá 800 tỷ đồng, lãi đầu tiên áp dụng lãi suất phát hành là 12%/năm.
Tương tự, một loạt các công ty khác cũng phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm đến nay có thể kể đến như: Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh nhà Khang Điền (KDH), Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG), Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (CTI)…
Ngoài chào mua với lãi suất cao, một số doanh nghiệp còn liên kết với ngân hàng đứng ra cam kết mua lại trái phiếu khi nhà đầu tư muốn chuyển nhượng, nhằm huy động thật nhiều nguồn vốn của nhà đầu tư.
Các doanh nghiệp nhóm ngành bất động sản, xây dựng đã phát hành trái phiếu trong 6 tháng đầu năm. Nguồn: MBS
Theo Bộ Tài chính, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trong 7 tháng năm 2019 cao hơn so với năm 2018, do mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng thương mại đều tăng trong năm 2019. Trong đó, lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp ngành bất động sản trong 7 tháng đầu năm 2019 ở mức trên 10% (phổ biến ở mức 12%).
Nhiều hệ lụy vì lãi suất cao
Cho rằng đây là vấn đề nổi lên trong thời gian gần đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin trong 6 tháng đầu năm 2019, trái phiếu chính phủ của doanh nghiệp tổng phát hành là 116.000 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước, nhờ có hiệu ứng tích cực của Nghị định 163/CP.
Phó thủ tướng cho biết về cơ cấu phát hành trái phiếu, các ngân hàng thương mại sở hữu 31,6%, doanh nghiệp bất động sản sở hữu khoảng 19%, cỡ khoảng 1 tỷ USD trong số 5 tỷ USD; các công ty chứng khoán là 3,5%, các doanh nghiệp khác thuộc phần còn lại.
Về lãi suất, lãi suất huy động cao hơn lãi suất cho vay trung, dài hạn của ngân hàng khoảng 0,5%-1%, cá biệt một số đợt phát hành lãi lên đến 12-14% của các doanh nghiệp bất động sản; cá biệt nữa có doanh nghiệp phát hành lên đến 14,5%.
Phó thủ tướng cho rằng lãi suất cao như vậy sẽ có nhiều hệ lụy. Một là, gây rủi ro về đường cong lãi suất, phá vỡ đường cong lãi suất giữa lãi suất trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất ngân hàng.
Hai là, trái phiếu có mức lãi suất như vậy chủ yếu phát hành riêng lẻ, chủ yếu là công ty không đại chúng, tức là chưa giao dịch trên sàn chứng khoán, chưa được đánh giá tín nhiệm. Trong đó, 6,1% nhà đầu tư là đầu tư cá nhân không có điều kiện để đánh giá rủi ro, cho nên có thể gây ra rủi ro về thanh khoản cũng như rủi ro cho người đi mua các trái phiếu này.
“Vì vậy, vừa rồi lãnh đạo Chính phủ đã họp với Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán và các bộ, ngành có liên quan, tiếp tục quán triệt quan điểm rằng tuy bắt buộc phải phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với chiến lược của thị trường chứng khoán và đề án tái cơ cấu công ty chứng khoán để giảm bớt gánh nặng cho tín dụng ngân hàng, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cái gốc để có thể kiểm soát chặt chẽ được Phó thủ tướng nêu ra là Chính phủ đã đề xuất trong Luật Chứng khoán đang trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới là kiểm soát nghiêm ngặt điều khiển phát hành riêng lẻ, chỉ phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư có tổ chức. Có quy định khung trong luật này, đồng thời quản lý chặt chẽ trong Luật Doanh nghiệp về việc phát hành riêng lẻ các nhà đầu tư không đại chúng, tăng cường công tác hỗ trợ thông tin.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin thêm Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã thành lập một cổng thông tin để hỗ trợ và cung cấp thông tin cho cả người phát hành và người mua. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để kiểm tra việc thực hiện Nghị định 163/CP, điểm nào chưa phù hợp thì phải sửa ngay.
Theo Lệ Chi/VietnamFinance