Trước bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, nếu không có những chính sách, cơ chế hướng dẫn cụ thể thì nguồn lực đầu tư điện gió sẽ chuyển từ Việt Nam sang những khu vực khác trên thế giới.
Với quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển đổi hướng đi ngành năng lượng, quy hoạch điện VIII đã ưu tiên phát triển điện năng lượng tái tạo. Điểm đáng chú ý nhất của Quy hoạch điện VIII, theo các chuyên gia chính là việc ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo quy hoạch này, tỷ lệ điện tái tạo sẽ vào khoảng 30,9 – 39,2% vào năm 2030 và mục tiêu đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 – 71,5%. Đây là một sự đột phá sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh của năng lượng tái tạo của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng về điện gió lớn nhất Đông Nam Á, vượt xa các quốc gia khác. Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) ước tính, Việt Nam có khoảng 600 GWh điện gió chưa khai thác, gồm 300 GWh điện gió ngoài khơi và 300 GWh điện gió trên bờ.
Có thể thấy, điện gió có vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng tương lai, là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển xanh, bền vững đã đề ra.
Theo phân tích của các chuyên gia, năng lượng gió ngoài khơi là nguồn năng lượng tái tạo có triển vọng phát triển lớn ở nước ta. Tốc độ gió trên đại dương thường ổn định và mạnh hơn trên đất liền, nên khả năng tạo ra điện cao hơn so với năng lượng gió trên bờ.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc phát triển điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi vẫn còn gặp phải một số rào cản nhất định liên quan đến cơ chế giá, vấn đề hạ tầng lưới điện truyền tải…
Đặc biệt, thách thức lớn nhất cho phát triển nguồn điện này là cần nguồn vốn đầu tư cao hơn rất nhiều so với điện gió trên bờ. Một dự án điện gió ngoài khơi quy mô 500 MW cần khoảng 1,5 tỷ USD (hay 3 tỷ USD/GW) trong khi dự án trên bờ cần ít hơn 100 triệu USD (1,5 triệu USD/MW với quy mô dự án thường dưới 70 MW).
Trước bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, nếu không có những chính sách, cơ chế hướng dẫn cụ thể thì nguồn lực đầu tư điện gió sẽ chuyển từ Việt Nam sang những khu vực khác trên thế giới.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cũng chỉ ra các vấn đề lớn cần phải giải quyết và làm rõ về điện gió ngoài khơi. Trong đó bao gồm quy hoạch, cơ chế chính sách đầu tư xây dựng, quy định cấp phép, quy chuẩn tiêu chuẩn, quy định vận hành cơ chế giá điện và hợp đồng bán mua bán điện, quy định về vận hành hệ thống điện, hệ thống cảng biển phát triển chuỗi cung ứng…
Liên quan đến vấn đề này, theo TS Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam, trong đó điện gió ngoài khơi được coi là một trong những giải pháp đột phá để chuyển đổi năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng và chú trọng chuyển đổi năng lượng với một lộ trình phù hợp, vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng giảm tối đa gánh nặng chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến ngày 13/6, có 11 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 10 dự án/phần dự án với tổng công suất 536,52MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.
Hiện đã có 68/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3791,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 59 dự án (tổng công suất 3211,41MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá.
Theo Lan Anh/Kinh tế Môi trường
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/can-tao-co-che-dau-tu-phat-trien-dien-gio-ben-vung-78261.html