QC 1
Thứ 3, ngày 14/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cảng Liên Chiểu sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế cho cả miền Trung

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định, đầu tư thành công Cảng Liên Chiểu thành công sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển của cả khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng như các nước trong khu vực.

Sau nhiều năm chuẩn bị, UBND TP Đà Nẵng đã khởi công hợp phần cơ sở hạ tầng dùng chung của dự án cảng Liên Chiểu (tại phường Hòa Hiệp Bắc). Cảng Liên Chiểu được quy hoạch làm cảng loại I và trong tương lai sẽ là cảng đặc biệt, hoàn thành trước năm 2025.

Liên Chiểu có nhiều lợi thế để cảng biển hàng đầu Đông Nam Á

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, việc Nhà nước đầu tư cảng Đà Nẵng không có nghĩa là đầu tư riêng cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả Vùng miền Trung. Với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hành lang kinh tế Đông – Tây, Cảng Liên Chiểu được đánh giá có tiềm năng trở thành cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

“Khu vực Cảng khá thuận lợi về kết nối giao thông, kết nối với các khu công nghiệp của thành phố; cảng Liên Chiểu sẽ là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho Đà Nẵng mà cho cả khu vực Miền Trung; đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững “phên dậu, mạng sườn” tiền tiêu cho Tổ quốc. Điều này sẽ góp phần làm tăng vị thế của vịnh Đà Nẵng trên bản đồ các vịnh biển của Việt Nam và khu vực”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cảng Liên Chiểu được đánh giá có tiềm năng trở thành cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Được biết, cảng Liên Chiểu có tổng diện tích 450 ha, gồm các phân khu chức năng chính gồm hạ tầng dùng chung (đê chắn sóng; luồng tàu vào cảng). Ngoài ra, có các khu bến container; khu bến tổng hợp; khu bến thủy nội địa và khu bến dầu với 6 bến bố trí phía trong đê chắn sóng.

Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung, với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng bao gồm các hạng mục xây dựng kè và đê chắn sóng; luồng tàu và khu nước; đường giao thông kết nối đến cổng cảng với quy mô 6 làn xe, bề rộng 30 m và hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng của khu vực bến cảng khởi động.

Bước tiến lớn cho Đà Nẵng

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định, Đà Nẵng đã và đang có hệ thống giao thông khá đồng bộ. Việc triển khai các đoạn tuyến cao tốc, cảng nước sâu sẽ là một bước tiến để Đà Nẵng trở thành trung tâm vùng có tiềm lực lớn trong cả nước và khu vực.

“Khi các dự án được đầu tư thành công sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển của cả khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng như các nước trong khu vực”, TS Ngô Viết Nam Sơn nói và nhận định.

Mở rộng vấn đề, ông Sơn cho hay cảng Liên Chiểu hình thành có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển mạng lưới hạ tầng cảng biển của nước ta, nhằm tận dụng lợi thế địa lý phục vụ phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, lưu ý khi làm cảng phải đặc biệt tính đến năng suất vận chuyển hàng hóa tương xứng với năng lực sản xuất và diện tích phát triển.

Tức là nếu cảng Liên Chiểu kết nối xuyên Á thì phải đảm bảo được lượng hàng hóa cam kết sử dụng dịch vụ của mình là bao nhiêu. Theo ông Sơn, đây là bài toán kinh tế nên chủ đầu tư cần cẩn trọng, phải phân kỳ hạng mục đầu tư, lượng hàng phù hợp đến đâu thì phát triển đến đó.

Vị chuyên gia này cũng nói khi xây cảng thì phải làm luôn hạ tầng kết nối. “Ví dụ như đường sắt vận tải hàng hóa vô cảng, đường cao tốc, đường bộ… Bên cạnh đó, hệ thống cảng liên kết với các cảng trong khu vực như thế nào cũng phải được tính toán”, ông Sơn nói.

Theo Anh Thư/Kinh tế Môi trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/cang-lien-chieu-se-la-dong-luc-thuc-day-kinh-te-cho-ca-mien-trung-74485.html