QC 1
Thứ 5, ngày 02/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang có những dấu hiệu mới

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo ngày 12/3, 5 nghiệp đoàn Mỹ đã đệ trình một bản kiến nghị lên Đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai yêu cầu điều tra các cáo buộc liên quan đến những chính sách không công bằng và việc áp dụng các chính sách trên thực tế của Trung Quốc trong lĩnh vực logistics hàng hải và lĩnh vực đóng tàu.

Nghiệp đoàn United Steelworkers ngày 12/3 ( theo giờ địa phương) đã kiến nghị Tổng thống Joe Biden mở một cuộc điều tra thương mại về các hoạt động kinh tế không công bằng của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu và hậu cần hàng hải.

5 nghiệp đoàn Mỹ đã đệ trình một bản kiến nghị lên Đại diện Thương mại Mỹ nêu rõ các hành vi bị cáo buộc phân biệt đối xử đã giúp Trung Quốc giữ thế “độc tôn” ngành đóng tàu thế giới. Đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai cho biết sẽ xem xét kỹ lưỡng kiến nghị theo quy định của pháp luật.

Bà Katherine Tai Đại diện Thương mại Mỹ 

Bản kiến nghị được đệ trình theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974 – đạo luật tương tự mà cựu tổng thống Donald Trump đã sử dụng để biện minh cho việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc khi ông phát động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh vào năm 2018… Các nghiệp đoàn hối thúc chính quyền của Tổng thống Joe Biden áp phí cảng biển đối với tàu do Trung Quốc chế tạo và cùng với đó thành lập một quỹ nhằm hồi sinh ngành đóng tàu Mỹ.

Ngoài những yêu cầu trên, bản kiến nghị của các nghiệp đoàn cũng bày tỏ lo ngại về tác động đối với an ninh quốc gia Mỹ của một nền tảng của Trung Quốc có tên Logink chuyên cung cấp dữ liệu về chuỗi cung ứng logistics.

Văn phòng USTR cho biết sẽ xem xét các cáo buộc từ các nghiệp đoàn lao động và quyết định có tiến hành cuộc điều tra theo yêu cầu của các nghiệp đoàn hay không trong vòng 45 ngày kể từ thời điểm nhận được bản kiến nghị.

Năm 2018 và 2019, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt thuế quan đối với hàng nghìn mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị lên tới 370 tỷ USD vào thời điểm đó. Chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn giữ nguyên chính sách thuế quan này, đồng thời bổ sung một số biện pháp siết chặt khác viện dẫn những lo ngại về an ninh.

 Công nhân tại một nhà máy đóng tàu tại Trung Quốc

Trung Quốc có thể sẽ trở thành một vấn đề chính trị ngày càng gia tăng khi cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần. Tuần trước, ông Biden cho biết ông sẽ ký luật để buộc ByteDance, chủ sở hữu nền tảng chia sẻ video TikTok của Trung Quốc, thoái vốn ứng dụng này nếu các nhà lập pháp thông qua một dự luật dự kiến sẽ được bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày 12/3.

Bất kỳ động thái nào nhằm mở một cuộc điều tra sẽ có khả năng tạo thêm căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, đe dọa sự khởi sắc giữa hai nước kể từ khi ông Biden gặp người đồng cấp Tập Cận Bình vào tháng 11 năm 2023.

Theo Ngọc Ánh/Tạp chí Việt -Mỹ