QC 1
Thứ 5, ngày 02/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Căng thẳng Trung Đông leo thang, thị trường thế giới chuẩn bị ứng phó trước “cơn bão”

Trong tuần qua, những lo ngại về xung đột ở Trung Đông đã ảnh hưởng đến giá trị của nhiều loại tài sản, đẩy các thị trường chứng khoán chìm trong “sắc đỏ”.

Chuyên gia Ben Cahill, thành viên cao cấp của Chương trình An ninh Năng lượng và Biến đổi Khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, nhận định một cuộc xung đột quy mô lớn vào Dải Gaza có thể xảy ra, gây thiệt hại nhân rộng cho khu vực.

Nguy cơ xung đột càng cao thì các thị trường sẽ càng phản ứng mạnh mẽ hơn.

Dầu là mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi những biến động đang diễn ra ở Trung Đông, cuối ngày 13/10 giá dầu thô Brent kỳ hạn tăng 5,41% lên 90,65 USD/thùng; Giá WTI tăng 5,46% lên 87,44 USD/thùng.

Michael Englund, nhà kinh tế trưởng tại Action Economics ở Boulder, Colorado, đánh giá giá dầu sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh hiện tại.

Bernard Baumol, chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu tại Economic Outlook Group ở Princeton, New Jersey, cho rằng xung đột ngày càng mở rộng cũng có thể dẫn đến lạm phát, do đó lãi suất toàn cầu sẽ tăng tốc.

Một góc nhà máy lọc dầu Philadelphia Energy Solutions ở bang Pennsylvania, Mỹ . Ảnh: Washington Post.

Bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Trung Đông, nhà sản xuất năng lượng khổng lồ Chevron (Mỹ) mới đây đã tuyên bố dừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên thông qua đường ống dẫn khí ngầm nối Israel và Ai Cập.

Động thái này có thể đẩy giá khí đốt tăng cao, cùng với giá dầu. Chuyên gia Cahill của CSIS nhận định rủi ro lớn hơn đối với thị trường dầu mỏ là cuộc xung đột ở Trung Đông đang kéo theo các nước láng giềng bên ngoài Israel.

Tại Hội nghị thường niên mùa Thu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra ở Marrakesh, Morocco từ ngày 9 -15/10, các bộ trưởng tài chính và giới quan chức đã cảnh báo cuộc xung đột đang lan rộng ở Trung Đông có thể gây ra mối đe dọa mới cho nền kinh tế toàn cầu, ngay khi thế giới vừa thoát khỏi những cú sốc do đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine gây ra.

IMF tin rằng giá dầu sẽ tăng 10%, nhiều khả năng sẽ làm tăng lạm phát toàn cầu khoảng 0,4 điểm phần trăm. Bà Gita Gopinath, Phó tổng giám đốc IMF, cho biết nợ toàn cầu đang ở ngưỡng kỷ lục và thế giới chìm trong môi trường lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bà vẫn kiên trì với kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm”. Bà nói thêm Mỹ đang giám sát tác động kinh tế tiềm tàng của cuộc xung đột đang leo thang tại Israel, nhưng không cho rằng đây có thể là yếu tố chính ảnh hưởng tới triển vọng toàn cầu.

Theo Lê Linh/Tạp chí Việt Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/toan-canh-nuoc-my/cang-thang-trung-dong-leo-thang-thi-truong-the-gioi-chuan-bi-ung-pho-truoc-con-bao-490999.html