QC 1
Thứ 4, ngày 15/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

CEO BEST Inc. Việt Nam: ‘Công nghệ là nền tảng để phát triển ngành logistics’

Ông Nelson Wu – Tổng giám đốc BEST Inc. Việt Nam nhận định: “Xu hướng phát triển của ngành logistics trong năm 2021 đó là lấy công nghệ làm nền tảng”.

Ông Nelson Wu – Tổng giám đốc BEST Inc. Việt Nam

– Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của ngành logistics và thương mại điện tử Việt Nam hiện nay?

Ông Nelson Wu: Như chúng ta đều biết, cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, logistics giữ vai trò quan trọng trong dây chuyền thương mại từ người bán đến người mua. Sự gia tăng lưu lượng hàng hóa giao dịch trực tuyến khiến nhu cầu vận tải, logistics tăng cao, đặc biệt là ở dịch vụ chuyển phát nhanh. Đồng hành cùng sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử Việt Nam, ngành logistics đang có những bước phát triển nhảy vọt về quy mô mạng lưới và chất lượng dịch vụ.

– Trước đà tăng trưởng mạnh mẽ đó, quy mô của tập đoàn BEST Inc. như thế nào?

Thành lập từ năm 2007 và niêm yết tại sàn chứng khoán New York năm 2017, Tập đoàn BEST Inc. là nhà cung cấp các dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng thông minh trên toàn cầu. Tập đoàn kết hợp Internet, công nghệ thông tin vào các dịch vụ logistics truyền thống, cùng với sự không ngừng cải tiến mô hình kinh doanh, để nâng cao hiệu suất hoạt động và ứng dụng số hóa và quản lý và vận hành.

Với lợi thế xuất thân từ ngành công nghệ thông tin, có đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, tập đoàn đã xây dựng được chuỗi cung ứng thông minh, hiệu quả, ứng dụng công nghệ điện toán tiên tiến và phát triển dịch vụ ổn định tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

– Đâu là thế mạnh của BEST Inc. khi hoạt động tại thị trường Việt Nam?

Hiện nay, hệ thống dữ liệu của dịch vụ chuyển phát nhanh BEST Express được xử lý bởi nền tảng điện toán đám mây BEST Cloud. Việc xử lý hàng hóa được triển khai bằng công nghệ cân, đo tự động, công nghệ quét mã barcode và máy quét hình ảnh chất lượng cao… Nhờ đó hiệu suất hoạt động toàn trình được kiểm soát và tối ưu, giúp gia tăng độ chính xác của việc phân loại bưu kiện từ 80% (phân loại thủ công) lên đến hơn 99,9%.

Hiệu quả phân loại được tăng lên gấp 4 lần, giúp giảm đáng kể thời gian chuyển phát hàng hóa và nâng cao năng suất phục vụ của mạng lưới bưu cục.

– Bên cạnh cung cấp giải pháp chuyển phát nhanh thông minh cho ngành thương mại điện tử, BEST Inc. mang đến những giá trị gì cho đối tác thông qua việc tiên phong mô hình nhượng quyền kinh doanh bưu cục tại Việt Nam?

Đầu tư vào thị trường Việt Nam, chúng tôi đem công nghệ hiện đại cùng kinh nghiệm thực tiễn sau 13 năm hoạt động trong ngành giao nhận – vận chuyển, mạng lưới dịch vụ, nguồn khách hàng và đặc biệt là những công nghệ quản lý, vận hành hiện đại chia sẻ đến các nhà đầu tư địa phương. Từ đó mang đến cho họ cơ hội khởi nghiệp trong ngành chuyển phát nhanh thương mại điện tử và giúp họ phát triển kinh doanh một cách thông minh, hiệu quả và chuyên nghiệp.

Trong năm 2020, chúng tôi đã cùng các nhà đầu tư xây dựng gần 200 bưu cục nhượng quyền trên toàn quốc.

– Riêng trung tâm phân loại tự động TP. HCM có quy mô và công nghệ như thế nào?

Trung tâm phân loại hàng hóa TP HCM được xây dựng trên khuôn viên rộng gần 40.000 m2 với diện tích nhà xưởng 15.500 m2, tổng vốn đầu tư 8 triệu USD. Đây là trung tâm phân loại hàng hóa có quy mô lớn nhất của tập đoàn tại Đông Nam Á, đóng vai trò quan trọng trong dây chuyền phân loại và điều phối hàng hóa cho dịch vụ chuyển phát nhanh BEST Express tại Việt Nam.

Trung tâm này trang bị các hệ thống phân loại tự động hiện đại như hệ thống phân loại tự động đai chéo cho bưu kiện dưới ba kg với công suất phân loại cực đại lên đến 36.000 bưu kiện mỗi giờ. Hệ thống phân loại tự động ma trận cho bưu kiện trên ba kg với công suất xử lý cực đại hơn 24.000 bưu kiện mỗi giờ. Tổng công suất xử lý của trung tâm phân loại TP HCM là hơn 1,3 triệu kiện hàng một ngày.

– Ông dự báo thế nào về xu hướng phát triển của ngành logistics trong năm 2021? Vậy BEST Inc. Việt Nam thiết lập định hướng và mục tiêu trong năm 2021 ra sao?

Theo tôi, xu hướng chung của ngành logistics hiện đại là lấy công nghệ làm nền tảng phát triển. Cụ thể các doanh nghiệp sẽ phải đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ để đổi mới dịch vụ, sản phẩm và mô hình kinh doanh, đồng thời phải đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp vận chuyển thông minh nhằm tích cực hướng đến mục tiêu số hóa trong ngành logistics.

Năm 2021, chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư vào tự động hóa trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng thông minh bằng các giải pháp tối ưu hóa trung tâm trung chuyển, xây dựng hệ thống phân phối thông minh, kho bãi thông minh, giải pháp chuỗi cung ứng kỹ thuật số… nhằm tạo nên mạng lưới dịch vụ đa dạng, hiệu quả cùng mô hình đầu tư ổn định, tiềm năng.

Đồng thời, để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm người dùng, BEST Inc. sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ tự động hóa vào quản lý, vận hành trên toàn hệ thống. Bên cạnh việc đưa vào vận hành trung tâm phân loại hàng hóa tự động hiện đại và có quy mô lớn tại TP HCM, chúng tôi dự kiến triển khai một trung tâm tại TP HCM vào tháng 6.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhận định năm 2021 tới đây và các năm tiếp theo, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, điều này có khả năng tác động lâu dài đến nền kinh tế thế giới, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới.
Xác định rõ những thời cơ, thách thức trong năm 2021 và những năm tiếp theo, nhận thức rõ vai trò của ngành logistics, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ đã đề ra những yêu cầu rất cụ thể đổi với ngành dịch vụ quan trọng này, trong đó có yêu cầu phải giảm chi phí logistics để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hoá và nền kinh tế. Muốn vậy, cần phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.
Cụ thể, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP.
“Để thực hiện định hướng và mục tiêu nêu trên, tôi yêu cầu các Bộ ngành và địa phương theo chức năng và nhiện vụ được giao có chương trình cụ thể thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ GTVT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các Hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Theo Bảo Minh/ Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/ceo-best-inc-viet-nam-cong-nghe-la-nen-tang-de-phat-trien-nganh-logistics-20180504224248186.htm