‘Ông lớn’ điện mặt trời GEG vừa chính thức được chấp thuận niêm yết trên sàn HoSE. Một năm qua, thị giá cổ phiếu GEG đã tăng tới 150%, đưa giá trị vốn hóa của công ty này lên mức 5.500 tỷ đồng.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) mới đây đã có quyết định chấp thuận niêm yết cổ phiếu của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai với mã chứng khoán GEG. Khối lượng chứng khoán niêm yết là 203,9 triệu cổ phiếu, tương đương với vốn điều lệ 2.309 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu GEG hiện đang được giao dịch với mức giá trên dưới 27.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị vốn hóa lên đến 5.500 tỷ đồng. Trong vòng một năm vừa qua, cổ phiếu GEG đã tăng tới 150%, từ mức giá khoảng 11.000 đồng hồi tháng 8/2018.
Giới thiệu từ phía GEG cho hay, tiền thân của GEG là Công ty Thủy điện Gia Lai Kon Tum, được thành lập ngày 1/6/1989 sở hữu và vận hành nhà máy thủy điện IaĐrăng 2 có công suất 1.200 KW. Công ty tiến hành cổ phần hóa vào năm 2010.
Tháng 1/2013, GEG chính thức trở thành thành viên của Tập đoàn TTC của gia đình ông Đặng Văn Thành. GEG được xác định là đơn vị tiên phong, hạt nhân của Tập đoàn TTC trong lĩnh vực Năng lượng.
Theo tìm hiểu, GEG là doanh nghiệp tiên phong và đang dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng mặt trời ở Việt Nam với việc đầu tư và vận hành hai nhà máy năng lượng mặt trời đầu tiên ở Việt Nam là Phong Điền (48 MWp) và Krông Pa (69 MWp).
Danh mục đầu tư điện mặt trời của GEG lên tới 17 dự án, trong đó có 2 dự án đã vận hành thương mại, 6 dự án khác sẽ vận hành trong năm 2019.
Tổng công suất lắp đặt các dự án của GEG lên tới 817 MWp với tổng số vốn đầu tư là 731 triệu USD.
Bên cạnh điện mặt trời, GEG còn đang sở hữu 14 dự án thủy điện với tổng công suất 84 MW. Các nhà máy của GEG đều là nhà máy nhỏ dưới 30MW và được hưởng cơ chế chi phí tránh được với mức giá bán bình quân khoảng 1.100 đồng/kWh.
Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), các nhà máy thủy điện của GEG đang có hoạt động ổn định ở mức cao, không còn nợ vay và cơ bản đã khấu hao hết khoảng 50%.
HSC nhận định mảng thủy điện giúp tạo ra dòng tiền ổn định cho GEG, tuy nhiên trong ngắn hạn có thể suy giảm do tác động của hiện tượng El Nino. Trong khi đó, việc đưa vào vận hành các nhà máy điện mặt trời dự kiến sẽ đem lại tăng trưởng đột phá cho doanh thu và lợi nhuận của GEG trong năm 2019.
Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2020-2030, tỷ trọng công suất Năng lượng tái tạo chiếm lần lượt 9,9%, 12,5% và 21,0% tương ứng năm 2020, 2025 và 2030, đạt tỷ lệ tăng trưởng kép là 16%.
Tỷ trọng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu trong lĩnh vực Năng lượng tái tạo ước tính cũng sẽ gia tăng đáng kể với tỷ lệ tăng trưởng kép là 14%, lần lượt chiếm tỷ trọng 6,5%, 6,9% và 10,7% tương ứng năm 2020, 2025 và 2030.
Trong năm 2018, với chính sách giá điện là 9,35 UScents/kWh, tổng công suất điện mặt trời đã ký hợp đồng mua bán điện trong năm 2018 đạt 2.867 MW, vượt mục tiêu 850 MW trước 2020.
Theo đánh giá của HSC, với tăng trưởng GDP lên tới 6-7%/năm thì nhu cầu điện đáp ứng hiện tại là không đủ. Do vậy, điện mặt trời là một ngành vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Theo Thanh Long/VietnamFinance