QC 1
Thứ 6, ngày 03/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm sau hai phiên tăng mạnh

Chứng khoán Mỹ ngày 5/10 không giữ được đà tăng mạnh từ hai phiên trước. Chỉ số công nghiệp Dow Jones quay đầu giảm nhẹ 0,14%, trong khi cả S&P 500 và Nasdaq đều mất hơn 0,2%. Nhà đầu tư đang phân tích số liệu việc làm để dự báo chính sách tiền tệ của Fed.

Kết phiên giao dịch 5/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 42,45 điểm, tương đương 0,14%, xuống 30.273,87. Có thời điểm chỉ số này giảm 429,88 điểm, tương đương 1%, và để mất mốc 30.000, tuy nhiên đã hồi dần trong phiên chiều.

Trong đó, cổ phiếu của các “ông lớn” năng lượng Exxon Mobil và Halliburton đã tăng tới hơn 4% trong phiên chiều. Chất bán dẫn, ngành công nghiệp chịu nhiều áp lực trước đó, cũng chứng kiến mức tăng nhẹ 1,5% từ Qualcomm. Trong khi đó, Nike tăng 2% trong phiên giao dịch buổi chiều, dẫn đầu mức tăng của các cổ phiếu tiêu dùng.

S&P 500 mất 0,20%, đóng cửa ở mức 3.783,28 và Nasdaq Composite giảm 0,25% xuống 11.148,64.

Lợi suất Chính phủ Mỹ phục hồi trong ngày 5/10 được cho là đã tạo thêm áp lực cho chứng khoán. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 10 điểm cơ bản lên 3.713% sau khi có lúc rớt ngưỡng 3.6% trong phiên trước.

Trước đó, trong 2 ngày giao dịch đầu tuần, các chỉ số chứng khoán đã chứng kiến mức phục hồi đầy triển vọng. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 825,43 điểm, tương đương 2,8%, lên 30.316,32 điểm trong phiên 4/10. S&P 500 tăng gần 3,1% đóng cửa ở mức 3.790,93 điểm và Nasdaq Composite tăng 3,3% lên 11.176,41 điểm.

CNBC dẫn lời ông Yung-Yu Ma, Giám đốc Chiến lược đầu tư tại BMO Wealth Management, nhận xét: “Thị trường tạm nghỉ đề nhìn nhận lại đợt hồi phục hai ngày vừa qua bền vững đến đâu. Các nhà đầu tư đang đánh giá rằng Fed sẽ không dễ gì đảo chiều chính sách. Số liệu việc làm đang cần tuyển dụng là dấu hiệu cực kỳ đáng mừng, không nghi ngờ gì cả. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng mà Fed cần trông thấy để giảm nhiệt chính sách”.

Báo cáo của Cục Thống kê Lao động (BLS) ngày 4/10 cho thấy số công việc đang cần tuyển dụng (job openings) giảm sút từ 11,2 triệu trong tháng 7 xuống còn 10,1 triệu trong tháng 8.

Một số nhà đầu tư cho rằng những tín hiệu về sự suy yếu của thị trường lao động sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm nhịp độ thắt chặt tiền tệ, hay thậm chí sớm nới lỏng trở lại.

Theo khảo sát của công ty phân tích thị trường ADP, số việc làm phi nông nghiệp trong tháng 9 tăng 208.000 so với tháng trước đó, cao hơn ước tính của Dow Jones.

Báo cáo chính thức về việc làm tháng 9 sẽ được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố vào thứ Sáu tuần này (7/10).

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) công bố sáng 5/10 cho thấy hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ. Khi các số liệu kinh tế việc làm và tích cực, Fed sẽ có thêm lý do để thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số đối tác (gọi tắt là OPEC+) đã đồng ý giảm sản lượng dầu thô đi 2 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu. Cổ phiếu ngành năng lượng đi lên sau thông báo này.

ExxonMobil tăng hơn 4%, Chevron thêm 0,6%, Occidental đi lên 2,4%. Cổ phiếu năng lượng là một trong ba nhóm ghi nhận sắc xanh cuối phiên 5/10 bất chấp thị trường chung đỏ lửa.

Theo Khánh Vân/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-my-quay-dau-giam-diem-sau-hai-phien-tang-manh-152096.html