QC 1
Thứ 7, ngày 27/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cổ phiếu ngành cảng biển “manh nha” có sóng, giới phân tích nói gì?

Thời gian gần đây, cổ phiếu ngành càng biển đang có xu hướng tăng khá tích cực. Dù vậy, giới phân tích cho rằng, ngành cảng biển còn nhiều khó khăn, ảm đạm trong tương lai gần…

Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay (5/6), cổ hiếu HAH của Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An tăng trần (+7%) lên mức 42.850 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu GMD của Công ty CP Gemadept tăng 1,20% lên mức 52.000 đồng/cổ phiếu; SGP của Cảng Sài Gòn tăng 5,20% lên mức 16.300 đồng/cổ phiếu…

Chứng khoán Rồng Việt đánh giá triển vọng hoạt động cảng biển tương đối ảm đạm trong tương lai gần. Ảnh Tuệ An

Một cổ phiếu đáng chú ý nữa là MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – Công ty CP (VIMC) sau thời gian dài “miệt mài” dò đáy đã bất ngờ bật tăng dựng đứng. Tính từ phiên giao dịch ngày 22/5, MVN đã ghi nhận chuỗi tăng đáng kể, trong đó có 3 phiên tăng trần liên tiếp, đưa thị giá lên mức 22.300 đồng/cổ phiếu (+61%), mức thị giá cao nhất trong vòng hơn 7 tháng trở lại đây. Nhờ đó, giá trị vốn hóa thị trường cũng tăng thêm hơn 9.200 tỷ, lên khoảng 26.300 tỷ đồng (~1,1 tỷ USD) và đưa VIMC chính thức trở lại “câu lạc bộ tỷ” USD.

Đà tăng của nhóm cổ phiếu cảng biển nói chung cũng như cổ phiếu MVN nói riêng diễn ra trong bối cảnh đoàn công tác Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế (APSEZ) thuộc Tập đoàn Adani – tập đoàn kinh tế lớn nhất Ấn Độ sang Việt Nam để khảo sát và làm việc với VIMC bàn về triển vọng hợp tác giữa hai bên và ký kết biên bản ghi nhớ về chiến lược hợp tác phát triển cảng và logistics.

Được biết, Tập đoàn Adani tới Việt Nam cùng cam kết đầu tư lâu dài với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào các lĩnh vực cảng biển, logistics, năng lượng, công nghệ số… Trong đó, Adani mong muốn xây dựng hệ sinh thái cảng biển theo hướng xanh hóa và đầu tư các nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam, tổng số vốn khoảng 3 tỷ USD.

Trong khi đó, VIMC được coi là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam. VIMC là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất tạo được chuỗi hạ tầng và dịch vụ logistics khép kín gồm: Khai thác cảng – Vận tải biển – Dịch vụ hàng hải.

VIMC hiện có 34 doanh nghiệp thành viên (19 công ty con, 13 công ty liên kết, 2 khoản đầu tư khác); 1 doanh nghiệp đang thực hiện giải thể và 2 doanh nghiệp đang thực hiện phá sản. Với hiện trạng Nhà nước nắm 99,47% vốn điều lệ, Tổng công ty đang xây dựng kế hoạch tái cơ cấu, dự kiến giảm sở hữu tại nhiều doanh nghiệp.

Năm 2023, VIMC lên kế hoạch doanh thu hợp nhất giảm 7% xuống 13.354 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.330 tỷ đồng, giảm 23,7%. Trong quý 1, doanh thu thuần của VIMC đạt 2.849 tỷ đồng, giảm 12,7% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, Tổng công ty lãi trước thuế 485 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ và thực hiện gần 21% mục tiêu cả năm.

Như vậy, thông tin tích cực về cuộc viếng thăm của Tập đoàn Adani tới Việt Nam được kỳ vọng mang lại “làn gió mới” cho kết quả kinh doanh của VIMC, tác động tích cực tới cổ phiếu MVN và các cổ phiếu khác thuộc nhóm logistics cũng được hưởng lợi.

Triển vọng ngắn hạn còn nhiều khó khăn

Dù vậy, giới phân tích cho rằng, ngành cảng biển còn nhiều khó khăn, ảm đạm trong tương lai gần. Bởi hoạt động cảng biển vẫn chưa phát đi những tín hiệu có thể hồi phục nhanh do dòng chảy thương mại của Việt Nam chưa thật sự khởi sắc.

Thực tế, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD và nhập khẩu ước đạt 126,37 tỷ USD, lần lượt giảm 16% và 17,9% so với cùng kỳ năm trước.

Việc giá trị xuất nhập khẩu vẫn suy giảm phản ánh sự suy yếu về tiêu dùng ở các thị trường chính. Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 31,2 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 12,6 tỷ USD, giảm 3,6%; xuất siêu sang Nhật Bản 521 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 564 triệu USD). Ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc 23,6 tỷ USD, giảm 16,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 10,8 tỷ USD, giảm 38,3%; nhập siêu từ ASEAN 3,4 tỷ USD, giảm 41,3%.

Trên cơ sở đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá triển vọng hoạt động cảng biển tương đối ảm đạm trong tương lai gần.

Giá trị nhập khẩu giảm sâu hơn giá trị xuất khẩu nêu trên, bên cạnh tác động từ yếu tố giá, có thể hàm ý rằng các các đơn đặt hàng xuất khẩu còn khá yếu khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn chưa sẵn sàng cho việc nhập khẩu để tích trữ tồn kho nguyên liệu sản xuất. Điều này cũng được thể hiện qua chỉ số PMI của Việt Nam, vốn ở dưới mức 50 điểm trong phần lớn thời gian của hai quý gần nhất.

“Trong bối cảnh đó, chúng tôi tin rằng hoạt động cảng biển vẫn chưa cho thấy những tín hiệu có thể sớm hồi phục bởi dòng chảy thương mại của Việt Nam chưa thật sự khởi sắc”, ông Cao Ngọc Quân, chuyên gia phân tích của VDSC nhấn mạnh.

Còn theo Mirae Asset (MAS), tăng trưởng thấp kết hợp với lạm phát chưa được kiểm soát hoàn toàn có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu chính, ảnh hưởng đến sản lượng xuất nhập khẩu và thông quan.

Cũng theo MAS, năm 2023, các công ty có doanh thu chính từ cung cấp dịch vụ vận tải biển sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn, mức biên lợi nhuận thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước.

Theo Nhật Hải/Kinh tế chứng khoán

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-nganh-cang-bien-manh-nha-co-song-gioi-phan-tich-noi-gi-186360.html