QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cơn sốt nguyên liệu sản xuất thép chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép như phôi thép, than mỡ, coke, điện cực đang có xu hướng tăng.

Cụ thể, giá phôi thép ngày 7/6 ở mức 681 USD/tấn CFR Đông Á, tăng khoảng 50 USD/tấn so với mức giá phôi thép thời điểm đầu tháng 5.

Giá than mỡ luyện cốc, xuất khẩu tại cảng Australia (giá FOB) ngày 7/6 premium hard coking coal có giá khoảng 167 USD/tấn, tăng mạnh 58 USD/tấn so với đầu tháng 5, trong khi đó giá cốc tại thị trường nội địa Trung Quốc tăng cao.

Mặc dù vậy, giá quặng sắt ngày 7/6 giao dịch ở mức 202,6 – 203 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc có xu hướng giảm nhẹ, giảm 8 – 9 USD/tấn so với thời điểm 7/5.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết nguyên liệu như quặng sắt, phế thép, nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên như than mỡ, coke, điện cực, trục cán, vật liệu chịu lửa… phục vụ cho sản xuất thép hầu hết được nhập khẩu nên thị trường thép Việt Nam chịu sự chi phối lớn từ thị trường toàn cầu.

“Diễn biến tăng giá gần đây do giá nguyên vật liệu sản xuất thép toàn cầu tăng bất thường, giá thép thô và thép thành phẩm trên thế giới đều tăng và diễn biến phức tạp, khó lường. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước”, ông Đa nói.

Ảnh minh họa

Theo VSA, trong tháng 5, giá thép cuộn cán nóng HRC ngày 7/6 ở mức 900 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, giảm khoảng 25 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 5.

Trong khi, giá bán thép xây dựng trong nước ở mức bình quân khoảng 17 – 17,5 triệu đồng/tấn, tiếp tục tăng so với tháng 4 và tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường thép thế giới gây ảnh hưởng đến giá sản phẩm thép trong nước, VSA đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp bình ổn giá thép trong nước. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất để bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu trong nước.

Bên cạnh đó, xuất khẩu thép tháng 5 lấy lại đà tăng trưởng. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong tháng 5, sản xuất thép các loại đạt gần 13,5 triệu tấn, tăng gần 39% so với cùng kỳ năm 2020. Bán hàng thép các loại đạt gần 2,5 triệu tấn, giảm gần 8,5% so với tháng 4, nhưng tăng gần 31% so với cùng kỳ 2020.

Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 630,5 nghìn tấn, tăng 18% so với tháng trước và tăng 2,4 lần so với tháng 5/2020. Như vậy, xuất khẩu thép tháng 5 đang lấy lại đà tăng trưởng sau khi giảm 17% vào tháng 4.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thép các loại đạt gần 2,8 triệu tấn, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2020.

Số liệu từ VSA, xuất khẩu thép trong tháng 4 đạt hơn 1 triệu tấn, giảm 17% so với tháng trước nhưng tăng 75% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 769 triệu USD giảm hơn 14% so với tháng 3 nhưng tăng 142% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá xuất khẩu thép trong tháng 4 đạt 754 USD/tấn, tăng 3% so với tháng 3, tăng 17% so với tháng 1.

Lũy kế 4 tháng, Việt Nam xuất khẩu thép đạt 3,9 triệu tấn, với trị giá gần 2,8 tỷ USD đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc…

ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với gần 1,5 triệu tấn, tương đương với trị giá hơn 1 triệu USD, tăng hơn 4% về lượng xuất khẩu và tăng 35% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Sau ASEAN, xuất khẩu thép sang Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 893,5 nghìn tấn, tương đương với trị giá 489 triệu USD, tăng hơn 86% về lượng và tăng gần 150% về trị giá so với cùng kỳ 2020, chiếm 17,5% tỷ trọng xuất khẩu thép 4 tháng đầu năm.

Về nhập khẩu, thị trường thép trong tháng 4 đạt hơn 1,3 triệu tấn với kim ngạch gần 1,1 tỷ USD, giảm gần 6% về lượng nhưng tăng 0,5% về trị giá so với tháng 3, nhưng tăng 18% về lượng và tăng 52% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 4 tháng, nhập khẩu thép đạt hơn 5 triệu tấn với trị giá trên 3,7 tỷ USD, tăng lần lượt gần 13% về lượng và hơn 37% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá nhập khẩu thép đạt 808 USD/tấn, tăng 7% so với tháng 3, tăng 17,5% so với tháng 1.

Trong đó, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 2,6 triệu tấn với trị giá hơn 1,8 tỷ USD, chiếm 52% tổng lượng thép nhập khẩu và 49% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Các quốc gia tiếp theo cung cấp thép cho Việt Nam là Nhật Bản (13,3%), Hàn Quốc (13%), Đài Loan (8,3%)…

Theo Thu Uyên/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/con-sot-nguyen-lieu-san-xuat-thep-chua-co-dau-hieu-ha-nhiet-96035.html