QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Con trai Chủ tịch VPBank chi 1.400 tỷ đồng mua cổ phiếu VPB

Ông Ngô Chí Trung Johnny – con trai Chủ tịch Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) đã hoàn tất mua vào 70 triệu cổ phiếu VPB khi mã này giảm sâu tới 14% trong 1 tháng qua.

Ngân hàng VPBank vừa có thông báo về giao dịch của người liên quan nội bộ. Cụ thể, ông Ngô Chí Trung Johnny là con trai ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng, đã hoàn tất mua 70 triệu cổ phiếu VPBank nhằm mục đích đầu tư. 

Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận trong khoảng thời gian từ 2/10 đến 2/11.

Con trai Chủ tịch VPBank chi 1.400 tỷ đồng “đỡ giá” cổ phiếu VPB

Động thái mua cổ phiếu của con trai Chủ tịch ngân hàng diễn ra khi cổ phiếu VPB sụt giảm mạnh trong đợt điều chỉnh 1 tháng qua, từ mức 23.100 đồng/CP xuống còn 19.800 đồng/CP, giảm 14,3%. 

Với giá giao dịch này, ước tính ông Ngô Chí Trung Johnny đã phải chi ra khoảng 1.400 tỷ đồng, để sở hữu 70 triệu cổ phiếu VPB, tương ứng tỷ lệ 0,88% vốn tại ngân hàng này. 

Qua đó, ông Ngô Chí Trung Johnny đã lọt Top 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. 

Theo dữ liệu công bố, gia đình Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đang sở hữu tổng cộng khoảng hơn 1,1 tỷ cổ phiếu VPB. Trong đó 3 người nắm giữ nhiều nhất là ông Ngô Chí Dũng (328,6 triệu cổ phiếu), bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Ngô Chí Dũng sở hữu 326,8 triệu cổ phiếu) và bà Vũ Thị Quyên (mẹ ruột ông Ngô Chí Dũng sở hữu 325,9 triệu cổ phiếu).

Ông Ngô Chí Trung Johnny là 1 trong 3 người con của Chủ tịch Ngô Chí Dũng. Hai người còn lại là Ngô Minh Phương (sở hữu 10,8 triệu cổ phiếu) và Ngô Phương Anh (không sở hữu cổ phiếu).

Về kết quả kinh doanh, trong quý 3 ngân hàng VPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 8.837 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 3.117 tỷ đồng và 2.427 tỷ đồng, giảm 31%. 

Do nợ xấu phát sinh lớn nên ngân hàng phải tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 2.685 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, tổng thu nhập lãi thuần đạt 36.402 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.529 tỷ đồng, giảm 9.524 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. 

Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản đạt 780.213 tỷ đồng, tăng 23,6% so với đầu năm nay. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 19,8%, đạt 508.798 tỷ đồng. Tổng tiền gửi tăng 39% đạt 421.472 tỷ đồng.

9 tháng qua, lợi nhuận trước thuế của VPBank giảm tới 58% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8.279 tỷ đồng

Trong vòng 10 năm qua, VPBank duy trì tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần và lợi nhuận đều đặn ở mức cao. Từ năm 2013, lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức 1.355 tỷ đồng thì đến cuối năm 2022 đã lên tới 21.220 tỷ đồng, tăng gấp 15,66 lần. Năm 2022 cũng là năm ghi nhận sự đột biến về lợi nhuận tăng thêm gần 7.000 tỷ đồng. 

Năm 2023, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 13% lên 24.000 tỷ đồng và lọt vào nhóm ngân hàng tư nhân có lợi nhuận trên 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, 9 tháng qua, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank sụt giảm mạnh tới 58% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 8.279 tỷ đồng và mới thực hiện 34,5% kế hoạch đề ra. 

Một phần nguyên nhân sụt giảm này đến từ việc quý 1 năm ngoái ngân hàng có khoản thu đột biến từ thoả thuận bảo hiểm độc quyền.

Hơn nữa, nợ xấu (từ nhóm 3-5) của VPBank đến cuối tháng 9 tăng mạnh 4.797 tỷ đồng lên tới 29.933 tỷ đồng, khiến ngân hàng phải tăng chi phí dự phòng rủi ro, làm giảm lợi nhuận đáng kể.

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt-Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/con-trai-chu-tich-vpbank-chi-1-400-ty-dong-do-gia-co-phieu-vpb-491269.html