QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cú đánh “thốc” phiên ATC của ROS, đẩy VN-Index tăng nhanh

Phiên giao dịch 14/5, VN-Index vẫn duy trì đà tăng tích cực thêm 6,8 điểm, vượt mốc 965,34 điểm. Bất chấp cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đang “phả hơi nóng” lên thị trường chứng khoán Châu Á và Mỹ, thì thị trường chứng khoán Việt Nam lại xanh bất ngờ.

Nhân tố ROS chỉ “xuất chiêu” khi chứng khoán Việt Nam cần lực đẩy tăng chỉ số VN-Index nhanh hơn

Thị trường chứng khoán phiên 14/5 mở cửa với sắc đỏ tràn ngập cả 3 sàn do ảnh hưởng tâm lý tiêu cực xuất phát từ tuyên bố của Trung Quốc sẽ tăng thuế với 60 tỷ USD hàng hoá từ Mỹ từ ngày 1/6 tới đây, đáp trả việc Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hoá của Bắc Kinh. Giới đầu tư càng thêm lo lắng về bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung dai dẳng chưa thấy hồi kết. Các thị trường chứng khoán thế giới đã phản ứng tiêu cực với thông tin này khi mở đầu phiên, chỉ số VN-Index, HNX- Index và Upcom đều giảm với số mã giảm giá chiếm áp đảo.

Nhưng rất nhanh sau đó, nhiều mã quay đầu bật tăng ấn tượng, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn tăng tích cực đã góp phần kéo màu xanh trở lại. Đáng chú ý, dòng tiền đổ mạnh vào nhiều nhóm ngành được dự báo sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung như khu công nghiệp, dệt may, thủy sản… và nhóm cổ phiếu dầu khí, đã hỗ trợ sự hồi phục tích cực của VN-Index trong 3 phiên gần  đây. Đóng cửa phiên 14/5, chỉ số VN-Index tăng 6,8 điểm (0,71%) lên 965,34 điểm; HNX-Index tăng 0,08% lên 105,7 điểm, còn Upcom-Index giảm nhẹ 0,18% xuống 55,15 điểm.

Thanh khoản trên sàn HoSE đạt hơn 3.480 tỷ đồng, trong đó chủ yếu giao dịch thoả thuận chiếm 570 tỷ đồng. Nếu loại bỏ giá trị giao dịch thoả thuận thì thanh khoản tăng 12% so với phiên đầu tuần.

Phiên hôm nay cũng gây chú ý khi công bố danh mục chỉ số MSCI Frontier Markets Index với việc thêm vào cổ phiếu POW, giúp mã này lập tức tăng trần lên 15.200 đồng/CP, khớp lệnh đột biến hơn 5,5 triệu đơn vị.

Danh mục mới có 11 cổ phiếu từ Việt Nam là BIDV, BVH, GAS, HPG, MSN, POW, SAB, STB, VCB, VNM, VIC.

Các cổ phiếu vốn hoá lớn có ảnh hưởng trực tiếp tới VN-Index

Trong đợt cơ cấu này, cổ phiếu ROS đã bị loại khỏi danh mục của MSCI Frontier. Nhưng trái với tin xấu này thì ROS đã tăng rất mạnh tới 6,3% phiên hôm nay, gần chạm trần 34.000 đồng/CP.

Điều đáng chú ý, trong phiên giao dịch, có thời điểm ROS rớt xuống mức giá thấp nhất 30.100 đồng/CP, lực cầu xuất hiện kéo dần giá lên và gần sát giờ phiên ATC cổ phiếu này cũng chỉ ở quanh mức giá đỏ 31.150 đồng/CP (giảm 1.850 đồng/CP so với giá tham chiếu). Bất ngờ xảy ra khi ROS tăng mạnh lên 34.000 đồng/CP vào gần cuối phiên ATC. Khối lượng sang tay thoả thuận lên tới 5,59 triệu đơn vị, tương ứng giá trị tới 190 tỷ đồng. Tính chung phiên 14/5, khối lượng giao dịch ROS vượt hơn 11,26 triệu đơn vị và giá trị gần 362 tỷ đồng.

Trong 3 phiên gần đây, cổ phiếu ROS đều có giao dịch “lạ” xảy ra vào phiên ATC khi khối lượng sang tay đều vượt hơn 5 triệu đơn vị, giá được đẩy gần hết biên độ 6-6,3% vào phút cuối. Tính chung chỉ 3 phiên qua, đã có hơn 15 triệu cổ phiếu ROS được “sang tay” thoả thuận với giá gần kịch trần được “đẩy” gần cuối ATC, tổng giá trị giao dịch là hơn 500 tỷ đồng. Giá ROS đã tăng tổng cộng 15,6% chỉ qua 3 phiên giao dịch, vốn hoá thị trường tăng hơn 2.100 tỷ đồng.

Chưa rõ cá nhân, tổ chức nào đã mua vào hay bán ra khối lượng lớn cổ phiếu ROS trong các phiên từ 10/5, 13/5 và 14/5, nhất là gom thoả thuận lượng lớn ROS ở mức giá gần trần trong phiên ATC, cao hơn nhiều giá giao dịch vài phút trước đó?

Trước diễn biến ROS bị loại khỏi danh mục MSCI, giới đầu tư dự đoán kịch bản ROS có thể sẽ được đẩy giá lên để các quỹ ngoại thoát hàng cắt lỗ, giao dịch ở phiên ATC với giá cao nhất. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử giao dịch ROS ghi nhận các đợt biến động của cổ phiếu này sẽ là những đợt tăng trần liên tục, hoặc giảm sàn đổ đèo không phanh, khiến nhà đầu tư “yếu tâm lý” khó có thể tham gia cuộc chơi.

Một kịch bản nữa là CTCP Xây dựng FLC ROS đang chịu áp lực vay nợ ngân hàng lên tới hàng nghìn tỷ, theo đó, hàng triệu cổ phiếu ROS đã được thế chấp nợ vay ở các ngân hàng ở thời điểm giá 82.000-127.000 đồng/CP. Đến nay thị giá ROS đã giảm tới 60-70% khiến tài sản đảm bảo “bốc hơi” mạnh tương ứng, do đó, cổ phiếu này cần hồi phục nhanh trước kỳ báo cáo tài chính quý 2/2019 tới đây. Bởi nếu ROS cứ lình xình đi ngang hay rơi sâu thì FLC, các cổ đông đã thế chấp ROS để vay nợ ngân hàng sẽ khó có thể “ngồi yên”…

Được biết, ROS – CTCP Xây dựng FLC Faros có sở hữu hơn 60% vốn của ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. Hồi tháng 1/2019, bà Lê Thị Ngọc Diệp – vợ ông Trịnh Văn Quyết đã bán hết 26.664.000 cổ phiếu ROS theo phương thức thỏa thuận, ước tính thu về khoảng 1.000 tỷ đồng. Ngay sau khi vợ chủ tịch “xả hàng”, kết quả kinh doanh năm 2018 của ROS được công bố ra với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 244 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 185 tỷ đồng, sụt giảm 77%…

Cổ phiếu ROS bật tăng mạnh, đồng pha với nhóm dầu khí đồng loạt bứt phá như GAS, PVS, PVD, PVB, PXS, PVC, và có PVS, PVD thậm chí vượt đỉnh trung hạn, là những yếu tố giúp VN-Index tăng vững chắc hơn.

Phiên nay, nhiều Bluechips như BVH, CTG, DHG, FPT, HPG, REE, VCB, VIC, VNM, VJC, VPB, PNJ, POW, MWG…cũng tăng khá tốt.

Trong khi đó, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng tổng cộng gần 240 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, áp lực bán tập trung tại VHM (84,4 tỷ đồng), SSI (42 tỷ đồng), E1VFVN30 (27,6 tỷ đồng),…

Trên HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng khá mạnh với 7,75 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 213 tỷ đồng và đây cũng là phiên bán ròng thứ 6 liên tiếp.

Khối ngoại cũng bán ròng trên HNX là 1,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 28,35 tỷ đồng trong phiên hôm nay và mua ròng 5,73 tỷ đồng trên UpCoM.

Theo Kim Anh/Kinh tế môi trường