QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

“Đổ bể” hợp tác với Air Asia, Thiên Minh lập công ty hàng không vốn 1.000 tỉ đồng

Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh vừa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng với ngành kinh doanh chính là vận tài hành khách hàng, hàng hoá hàng không, cho thuê máy bay…  

Thiên Minh vẫn nuôi tham vọng thành lập một hãng hàng không riêng

Theo đó, Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh có trụ sở chính tại Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ngành nghề kinh doanh chính gồm: vận tải hành khách hàng không, vận tải hàng hóa hàng không, cho thuê máy bay…

Với mức vốn điều lệ đăng ký là 1.000 tỉ đồng, công ty này có 3 cổ đông lớn nhất gồm: Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh sở hữu 30% cổ phần, ông Trần Trọng Kiên nắm 60% cổ phần và 10% còn lại thuộc về bà Trần Thu Hằng.

Ông Trần Trọng Kiên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm tổng giám đốc công ty Hàng không Thiên Minh. Được biết, ông Kiên cũng đang là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu (Gumin)- là đơn vị cung cấp các dịch vụ bay ngắm cảnh Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, bay thuê chuyến…

Việc thành lập công ty hàng không có vốn 1.000 tỉ đồng cho thấy Công ty Thiên Minh vẫn quyết tâm theo đuổi kế hoạch kinh doanh lĩnh vực hàng không thương mại.

Trước đó, ông Kiên từng công bố thông tin về việc bắt tay hợp tác với Gumia và Air Asia để lập hãng bay giá rẻ, song thương vụ này đã bị huỷ hồi tháng 4/2019. Theo thoả thuận được ký, liên doanh của AirAsia tại Việt Nam sẽ có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng (tương đương 44 triệu USD), dự kiến hoạt động vào năm 2018. Tại liên doanh này, phía Việt Nam sở hữu 70%, trong khi AirAsia nắm 30% còn lại.

Dù thương vụ hợp tác đổ bể song Air Asia cho biết sẽ vẫn theo đuổi kế hoạch vận hành một hãng bay giá rẻ tại Việt Nam vì các yếu tố như vị trí địa lý thuận lợi, sự phát triển, tiềm năng tăng trưởng của thị trường.

Nếu Thiên Minh được cấp phép bay thương mại thì sẽ là hãng hàng không thứ 6 tại Việt Nam, bên cạnh các hãng bay như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar, VASCO và Bamboo Airways.

Ngoài ra, hai doanh nghiệp khác cũng đang xúc tiến kế hoạch lập hãng hàng không mang tên Vietstar Airlines và Vietravel Airlines. Trong đó, Vietstar Airlines ra đời năm 2016 với mức vốn 300 tỉ đồng và hiện đang chờ được cấp phép bay.

Mới đây nhất, Vietravel cho biết đã nộp đề án thành lập Công ty Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) lên Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên – Huế với mức vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng.

Ngàng hàng không Việt Nam được đánh giá là có sự tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng luôn đạt mức hai con số. Năm 2018, các hãng hàng không trong nước vận chuyển gần 50 triệu hành khách, tăng trưởng 10,1% so với 2017 và trên 400.000 tấn hàng hóa, tăng 27,2%. Tính cả các hãng nước ngoài, thị trường vận chuyển hàng không Việt năm 2018 đạt gần 70 triệu khách.

Thiên Minh Group (TMG) là cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu sau khi mua lại 89% cổ phần công ty này (trị giá 54 tỷ đồng) vào năm 2013. Vị đại gia kín tiếng- ông Trần Trọng Kiên là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Thiên Minh Group.Ngay sau đó, Hải Âu tuyên bố rót 3,2 triệu USD để mua thêm 2 chiếc thuỷ phi cơ hiện đại, nâng tổng số máy bay sở hữu lên 3 chiếc, nhằm khai phá mảng du lịch biển bằng hàng không bằng dịch vụ thuỷ phi cơ…
Sau hơn 2 năm vận hành dịch vụ thuỷ phi cơ, công ty Hải Âu vẫn báo lỗ, trong đó, các thuỷ phi cơ này chưa khai thác hết công suất, một năm chỉ khai thác được khoảng 700 giờ bay cho 3 tàu thuỷ phi cơ.

Theo Hải Nam/Kinh tế môi trường