QC 1
Thứ 5, ngày 02/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Doanh nghiệp sản xuất chật vật trong vòng xoáy suy thoái

Làn sóng doanh nghiệp rút lui khỏi thì trường, thu hẹp quy mô hoạt động, sa thải công nhân… dường như vẫn chưa dừng lại. Nhiều chuyên gia dự báo, những khó khăn vẫn đang tiếp tục đẩy tới, dồn các doanh nghiệp Việt Nam vào tình cảnh ngày càng chật vật hơn.

Doanh nghiệp khó khăn, lợi nhuận sụt giảm mạnh

Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023 đã có 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều đăng ký mới, vốn của doanh nghiệp ngày càng teo tóp. Cụ thể 5 tháng đầu năm, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức thấp nhất trong giai đoạn 5 tháng đầu năm kể từ 2019 đến nay.

Khảo sát vừa qua của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng cho thấy hiện trạng khó khăn của doanh nghiệp. Trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm.

Đáng chú ý, khảo sát cũng cho thấy, có đến 81,4% doanh nghiệp có đánh giá từ tiêu cực đến rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Các khó khăn, thách thức lớn nhất doanh nghiệp đang phải đối mặt là về đơn hàng (59,2%), tiếp cận vốn vay (51,1%), thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3%)… Ban IV nhận định, làn sóng sa thải người lao động có thể tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023, do những khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp.

Khó khăn khiến doanh thu và lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Đơn cử, báo cáo tài chính của 20 doanh nghiệp dệt may trên sàn đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 cho thấy: chỉ có 2 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận dương, trong khi có tới 13 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận âm và 5 doanh nghiệp báo lỗ. Trong đó, doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành dệt may là Vinatex ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất giảm 14% so với cùng kỳ, đạt 4.209 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm gần 72% còn chưa tới 93 tỷ đồng.

Theo dữ liệu từ VietstockFinance, tổng doanh thu hợp nhất của 12 doanh nghiệp ngành thủy sản niêm yết trong quý I/2023 giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 9.384 tỷ đồng; tính trung bình doanh thu 12 doanh nghiệp này giảm 25%. Tổng lãi ròng của 12 doanh nghiệp thủy sản đạt 293 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ năm trước.

Khó khăn trong nhiều ngành sản xuất

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), nhu cầu tiêu dùng giảm rõ rệt, hàng tồn kho còn nhiều, xuất khẩu thủy sản khó có thể tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD, giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, thị trường Mỹ giảm mạnh nhất, hơn 50% so với cùng kỳ; tiếp đến là thị trường EU, giảm gần 32% và thị trường Trung Quốc giảm hơn 25%.

Các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam đều giảm 2 con số, cụ thể tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40%, cá ngừ giảm hơn 30%. Nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý III/2023 thay vì phục hồi từ quý III/2023 như những dự báo trước đây.

Về tình hình của các doanh nghiệp ngành dệt may, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. HCM, khó nhất chính là thiếu đơn hàng. Các thị trường lớn chưa nhìn thấy tín hiệu hồi phục nhu cầu với các mặt hàng thời trang, những thị trường mới nhu cầu lại quá ít và cũng không phải dễ thâm nhập. Doanh nghiệp đang phải chạy lo từng đơn hàng, thậm chí lỗ cũng phải chấp nhận để duy trì việc làm cho người lao động, bởi nếu để người lao động nghỉ thì khi có đơn hàng lại xoay không kịp.

Che bien thuy san nho ung dung cong nghe cao do cong ty Quyet Thang phan phoi tai Viet Nam. Lien he chung toi de biet them chi tiet

Thiếu đơn đang là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp nhiều ngành như chế biến gỗ, nội thất, da giày, thủy sản… Một đơn vị chuyên sản xuất nội thất ở tỉnh Gia Lai cho biết đang ở giai đoạn khó khăn chưa từng có. Từ mức bình quân doanh thu 50 – 100 tỷ đồng, gần 1 năm nay, doanh thu giảm 70%. Từ mức 200 công nhân, hiện tại nhà máy chỉ còn 40 người làm việc cầm chừng.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), đơn hàng cho các tháng tới ở mức thấp bởi nhu cầu thị trường yếu. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm 2023 giảm 28% – 32% so cùng kỳ năm 2022. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 5,1 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2023, giảm 27,3% so cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu gỗ đang gặp rất nhiều khó khăn ở các thị trường chủ lực. Hiện nay, đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 50% – 55% tùy từng chủng loại sản phẩm gỗ, đồ gỗ. Đối với thị trường EU, mức giảm lên tới 60%, các đơn hàng mới hiện rất ít, mặc dù hiện đang là mùa hàng của EU.

Doanh nghiệp cần trợ vốn để cầm cự

Trong bối cảnh đơn hàng thiếu trầm trọng lại phải gồng mình giữ chân lao động, các doanh nghiệp rất mong tiếp cận được vốn vay với lãi suất ưu đãi. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất nên có gói vay ưu đãi lãi suất 0% để doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Đơn cử như gói vay mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện trong giai đoạn Covid-19 để giúp doanh nghiệp phần nào giảm áp lực tài chính để trả lương cho người lao động, nhằm giữ chân họ trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo chủ tịch HĐQT một tập đoàn da giày lớn tại TP. HCM, nhiều doanh nghiệp đơn hàng sụt giảm tới 50% – 60% so với cùng kỳ, buộc không ít nhà máy phải cho công nhân nghỉ việc, thậm chí có doanh nghiệp phải đóng cửa. Tình hình sụt giảm đơn hàng trong ngành da giày, theo dự báo, có thể sẽ kéo dài đến hết năm 2023 và nếu nhanh thì đầu năm 2024 mới sáng trở lại. Do vậy, doanh nghiệp da giày đang rất cần nguồn tài chính với lãi suất ưu đãi để duy trì hoạt động, giữ chân người lao động, chờ khi thị trường phục hồi có thể bắt nhịp trở lại ngay.

Vị này cũng đề xuất Chính phủ có thể tiếp tục cân nhắc giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để giúp giảm chi phí cho lao động… Những điều này với nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày hết sức cần thiết.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM, hiện nay, có hơn 80% doanh nghiệp dự báo tình hình kinh doanh tiêu cực và rất tiêu cực. Các doanh nghiệp rơi vào nhiều tình thế khác nhau khi ách tách dòng vốn.

Cụ thể với các doanh nghiệp có đơn hàng, việc tuân thủ tín dụng là nỗi lo rất lớn. Giai đoạn này, việc tuân thủ tín dụng của doanh nghiệp rất khó, bản thân các nhà nhập khẩu nước ngoài cũng chậm thanh toán do khó khăn tài chính, ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp. Vì thế, ngân hàng cần xem xét tháo gỡ nhanh cho các khoản nợ quá hạn không phải lỗi chủ quan của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần được gia hạn thêm thời gian. Ngân hàng cần cơ cấu nợ cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, các doanh nghiệp không có đơn hàng đang rất cần nguồn tiền để trả lương cho người lao động, vì lúc này, tất cả doanh nghiệp đang cần giữ người lao động.

Một điều nữa là tuy đầu ra không có, không còn hoạt động hoặc giảm hoạt động nhưng do kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo năm và theo quý thì việc chuẩn bị vật tư nguyên liệu cho những quý tiếp theo vẫn buộc doanh nghiệp phải có nguồn tiền; nguồn nguyên liệu đã vào kho thì ngân hàng cũng an toàn trong việc cho vay vốn.

Theo Trần Lê/Vietnam Finance

Nguồn: https://m.vietnamfinance.vn/doanh-nghiep-san-xuat-chat-vat-trong-vong-xoay-suy-thoai-20180504224285801.htm