QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Du lịch Việt Nam trở lại cuộc đua: Nhắm mốc doanh thu 400 ngàn tỷ

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới trên toàn quốc từ ngày 15/3/2022. Sau 1 năm gần như “đóng băng”, ngành du lịch Việt Nam đang hồi sinh với những tín hiệu tích cực.

Du lịch Việt Nam trở lại cuộc đua: Nhắm mốc doanh thu 400 ngàn tỷ
Ảnh minh họa

Khởi động du lịch quốc tế

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2022, ngành du lịch phấn đấu đón 65 triệu lượt khách, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 60 triệu lượt khách nội địa, bằng 150% so với năm 2021; tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng. Từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (tháng 11/2021- đến 8/2/2022), Việt Nam đã đón được hơn 8.900 khách du lịch quốc tế. Khách du lịch chủ yếu từ Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Đến nay, đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 82 cơ sở lưu trú du lịch; 28 khu, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ; 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương đã đăng ký và được lựa chọn tham gia đón khách trong giai đoạn 1.

Liên quan tới nội dung cấp thị thực nhập cảnh (visa), các Bộ đều nhất trí cần áp dụng chính sách về thị thực cho khách du lịch như thời điểm trước dịch, bao gồm cấp thị thực điện tử, miễn thị thực đơn phương cho 13 nước và miễn thị thực song phương cho 88 nước và vùng lãnh thổ. Theo đề xuất của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, từ 15/3/2022 Việt Nam mở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới thông qua đường không, đường bộ, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất từ ngày 31/3/2022 mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và đưa khách đi du lịch nước ngoài qua tất cả các cửa khẩu quốc tế.

Theo Trung tâm thông tin của Tổng cục Du lịch, dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Cụ thể, lượt tìm kiếm vào thời điểm ngày 1/1/2022 tăng 222% so với tháng trước và tăng 248% so với cùng kỳ 2021.Từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam đang duy trì ở mức rất cao, có thời điểm tăng 425% so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú cũng bắt đầu tăng cao, thời điểm ngày đầu tháng 2/2022, đạt mức tăng 86% so với cùng kỳ 2021.

Lượng tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam đến từ các quốc gia như Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Anh, Canada… 10 điểm đến của Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất gồm: TP. HCM, Hà Nội, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), Đà Nẵng, Hội An (tỉnh Quảng Nam), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)… Nhiều hãng thông tấn/báo chí uy tín thế giới như Reuters, CNN, The Star, The Japan News… đều đồng loạt đưa tin du lịch Việt Nam chính thức mở cửa sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Đối với đánh giá truyền thông và du khách quốc tế, thị trường Việt Nam luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn, thú vị nhất khu vực Đông Nam Á. Gần nhất, tạp chí du lịch nổi tiếng Canada – The Travel đã bình chọn Việt Nam ở vị trí thứ 8 trong tốp 10 điểm đến lý tưởng nhất dành cho những người trẻ yêu thích sự trải nghiệm của những chuyến đi tự do, khám phá gắn với thiết bị công nghệ (Digital Nomads).

Đón du khách nội địa

Khởi động mùa du lịch, trong 9 ngày Tết (từ ngày 29/1/2022 – 6/2/2022), ngành du lịch đã phục vụ 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Khách du lịch quốc tế đến theo chương trình thí điểm hộ chiếu vắc xin đạt 467 người. Hoạt động du lịch trong kì nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã tạo đà phục hồi cho ngành du lịch năm 2022. Nhiều địa phương đã xây dựng sản phẩm du lịch mới, chỉnh trang cơ sở lưu trú và khu, điểm du lịch để phục vụ khách du lịch, đồng thời đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng chống dịch.

Một số địa phương là trọng điểm du lịch trên cả nước đã triển khai nhiều chương trình ký kết, liên kết hợp tác như: liên kết xúc tiến, đầu tư và du lịch An Giang – Hà Nội; thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và 12 tỉnh/thành phố; liên kết hợp tác phát triển du lịch Hà Nội – Bình Định; liên kết phát triển du lịch TP. HCM với 13 tỉnh/thành Đồng bằng sông Cửu Long…

Nhờ đó, hoạt động du lịch tại các địa phương đã bắt đầu có những khởi sắc, hồi sinh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng. Một nghiên cứu của Visa có chủ đề “Tiếng nói của người tiêu dùng châu Á-Thái Bình Dương” cho thấy, có tới 76% du khách Việt Nam tham gia khảo sát đang lên kế hoạch du lịch giải trí trong nước vào năm 2022, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 38% số người lập kế hoạch du lịch nước ngoài.

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2022 dự báo sẽ là năm dấu ấn của du lịch Việt Nam. Do xu hướng đi du lịch của du khách thay đổi nên những người làm du lịch và cơ quan quản lý du lịch cũng phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến thu nhập bị ảnh hưởng, vì thế nhu cầu đi du lịch được thực hiện một cách có chọn lọc. Du khách cũng sẽ thay đổi cách đi du lịch, lựa chọn điểm đến gần, an toàn, đi theo nhóm nhỏ, đến những điểm đến mới, dịch vụ đảm bảo an toàn.

Du lịch chăm sóc sức khoẻ được coi là xu hướng trong năm 2022. Hiện nay, loại hình du lịch này đang phát triển rầm rộ từ Bắc Mỹ đến Châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương và sẽ phát triển nhanh hơn trong những năm tới. Trong 5 năm trở lại đây, châu Á dẫn đầu cả số lượng khách và nguồn thu từ du lịch chăm sóc sức khỏe. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe với bờ biển dài hơn 3.260 km cùng nhiều bãi tắm đẹp và thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

Ngoài ra, vùng biển ven biển có hơn 2.770 hòn đảo lớn nhỏ, phù hợp cho du lịch nghỉ ngơi, chữa bệnh. Nhiều nguồn suối nước khoáng nóng ở Việt Nam trải dài ở các tỉnh được các nhà đầu tư lớn đầu tư khai thác

Trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, năm 2018 có 350.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng và chi tiêu 2 tỷ USD. Trong khi đó hàng năm cũng có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh kết hợp du lịch và chi tiêu tới cả tỷ USD. Do vậy ngành du lịch cần phối hợp với ngành y tế để đưa ra các giải pháp mở rộng loại hình du lịch này.

Trong số tháng 3/2022, Tạp chí Đầu tư Tài chính sẽ đăng tải chuyên đề đặc biệt về Mở cửa lại thị trường du lịch. Chuyên đề Mở cửa lại thị trường du lịch sẽ ghi nhận những chuyển biến về chính sách của nhà nước, quá trình chạy đua chuẩn bị đón khách của các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú trên toàn quốc và những “kế sách” tâm huyết của giới chuyên gia trong việc khôi phục, nâng tầm du lịch Việt. Trân trọng mời các bạn đón đọc!

Theo Thảo Lê/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/du-lich-viet-nam-tro-lai-cuoc-dua-nham-moc-doanh-thu-400-ngan-ty-20180504224265272.htm