QC 1
Thứ 3, ngày 30/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

EU cấm cung cấp dịch vụ tiền điện tử cho người Nga

Sử dụng tiền điện tử, stablecoin USDT đã trở thành một trong những cách phổ biến nhất để người Nga chuyển tiền ra nước ngoài kể từ khi bị áp đặt các lệnh trừng phạt. Nhưng trong gói trừng phạt mới nhất, Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng các biện pháp sâu rộng hơn nhằm ngăn cản người Nga tiếp cận thị trường này.

EU thắt chặt các biện pháp trừng phạt về các ví điện tử với Nga.

Ngày 6/10, EU đã tung gói trừng phạt thứ 8 đối với Nga, nhắm vào việc áp trần giá dầu cũng như ngăn cản Moscow nâng cao công nghệ quân sự, ước tính tước đi doanh thu hàng tỷ EUR của Moscow và mở rộng phạm vi áp dụng lên cả 4 vùng lãnh thổ Ukraine vừa sáp nhập vào Nga.

Bên cạnh các lệnh trừng phạt mới, EU cũng đã áp dụng lệnh cấm sâu rộng đối với việc cung cấp dịch vụ tiền điện tử cho người Nga như một phần của vòng trừng phạt thứ 8. Biện pháp trừng phạt mới được tăng cường từ các hạn chế đã được đặt ra hồi tháng 4.

“Các lệnh cấm hiện tại đối với tài sản tiền điện tử đã được thắt chặt bằng cách cấm tất cả các ví, tài khoản hoặc dịch vụ lưu ký tài sản tiền điện tử, bất kể số tiền trong ví”, trích thông cáo báo chí được công bố trên trang web của Ủy ban Châu Âu.

Trước đó, lệnh giới hạn vào tháng 4 vẫn cho phép các dịch vụ dành cho các ví của Nga có giá trị dưới 10.000 EUR.

Các nhà khai thác dịch vụ tiền điện tử có trụ sở chính tại EU có thể phải ngừng xử lý các giao dịch với người Nga, trừ khi khách hàng là cư dân trong khối, theo Forbes Nga.

Gói trừng phạt thứ 8 cũng sẽ mở rộng số lượng dịch vụ không được cung cấp cho người Nga hoặc chính phủ Nga, bao gồm tư vấn công nghệ thông tin, tư vấn pháp lý, kiến trúc và dịch vụ kỹ thuật. Ủy ban cho biết Nga “phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các dịch vụ này”.

Hạn chế bổ sung được đưa ra một ngày sau khi EU hoàn thiện một số quy tắc chính của họ về quy định tiền điện tử. Một trong những luật được thông qua bao gồm yêu cầu rằng các nhà cung cấp ví phải xác minh danh tính của những người sử dụng dịch vụ của họ.

Được biết, sau khi Visa và Mastercard rời thị trường Nga vào đầu năm nay và một số ngân hàng bị ngắt kết nối với SWIFT, tiền điện tử, đặc biệt là stablecoin USDT, đã trở thành một trong những cách phổ biến nhất để người Nga chuyển tiền ra nước ngoài, dù vẫn có một số hạn chế về quyền riêng tư của người dùng.

Do đó, sau khi thực hiện các lệnh trừng phạt vào tháng 2, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu ngay lập tức chuyển sự chú ý sang tiền điện tử, vì lo ngại ngành công nghiệp đang phát triển có thể giúp Nga vượt qua các hạn chế thương mại.

Tuy nhiên, các loại tiền điện tử như Bitcoin là được trao đổi tương đương và chưa được cấp phép, khiến các nhà chức trách phương Tây khó khăn hơn đáng kể trong việc ngăn chặn hoạt động thương mại thông qua mạng Internet.

Điều này cũng cho phép các tổ chức tội phạm nước ngoài tận dụng công nghệ này trong cả các kế hoạch ransomware (mã độc tống tiền) và thậm chí là tài trợ cho vũ khí hạt nhân.

Theo Minh Ý/Vietnam Finance/Decrypt, RT

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/eu-cam-cung-cap-dich-vu-tien-dien-tu-cho-nguoi-nga-20180504224275243.htm