QC 1
Thứ 4, ngày 11/09/2024 | Hotline: 0889.066.066

EVN Finance (EVF) xử lý hơn 226 triệu cổ phiếu “ế” cách nào?

Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance, mã: EVF) đang phải xử lý hơn 226,68 triệu cổ phiếu do cổ đông hiện hữu không mua hết, dự kiến sẽ phân phối cho các nhà đầu tư khác.

Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) vừa công bố nghị quyết về việc phân phối 226,68 triệu cổ phiếu còn dư do cổ đông hiện hữu không mua hết trong đợt chào bán hơn 351 triệu cổ phiếu.

 EVN Finance tiếp tục phân phối hơn 226,68 triệu cổ phiếu bị “ế” cho nhà đầu tư bên ngoài. Ảnh: EVF

Từ ngày 28/9 đến 31/10/2023, EVN Finance  đã chào bán 351.064.031 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán 11.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền mua là 1:1, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới.

Nhưng kết thúc thời điểm chào bán, công ty chỉ bán được 124.380.752 cổ phiếu, chiếm 35,4% tổng khối lượng chào bán. Còn lại 226.683.279 cổ phiếu, chiếm 64,6% tổng cổ phiếu chào bán là chưa có người mua.

Được biết, ngày 22/9/2023, Công ty EVN Finance đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền mua thêm cổ phiếu phát hành, tỷ lệ 1:1, cổ đông với giá 11.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này hiện thấp hơn 31,25% so với thị giá cổ phiếu EVF trên sàn đang ở quanh mức 16.000 đồng/CP, khá hấp dẫn nhà đầu tư.

Do vậy, từ ngày 20/11 đến ngày 27/11, EVN Finance dự kiến tiếp tục phân phối 226.683.279 cổ phiếu với giá chào bán 11.000 đồng/CP cho các nhà đầu tư khác. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Trường hợp đến hết ngày 27/11, các nhà đầu tư đăng ký mua cổ phiếu không thực hiện mua cổ phiếu đúng thời gian hoặc mua không hết, Hội đồng quản trị quyết định tiếp tục chào bán số cổ phiếu chưa phân phối hết cho các nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.

Dự kiến, sau khi chào bán hết cổ phần, vốn điều lệ của EVN Finance sẽ tăng từ mức 3.510 tỷ đồng hiện nay lên hơn 7.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn thu từ đợt phát hành này sẽ được dùng để phát triển mạnh về quy mô dịch vụ tài chính có ứng dụng công nghệ số và phát triển mạnh về quy mô dịch vụ tài chính cho ngành năng lượng.

Về kết quả kinh doanh, trong 9 tháng năm 2023, EVN Finance ghi nhận thu nhập lãi thuần 404 tỷ đồng, giảm mạnh 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 37,5 tỷ đồng, mảng đầu tư chứng khoán lãi gần 326 tỷ đồng. Riêng mảng kinh doanh ngoại hối bị lỗ 69 tỷ đồng…

Công ty cũng ghi nhận khoản lãi từ góp vốn, mua cổ phần gần 102 tỷ đồng. Công ty đã tiết giảm chi phí hoạt động 30% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn hơn 215 tỷ đồng. Song EVN Finance phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng thêm 82 tỷ đồng, lên 292 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế của EVN Finance còn lại 342,6 tỷ đồng và lãi sau thuế 275 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của EVN Finance tăng nhẹ lên 46.781 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 19,6% lên tới 29.141 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng rủi ro cho vay hơn 395,5 tỷ đồng.

Dư nợ xấu ở mức gần 409 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,4% dư nợ cho vay. Riêng nợ xấu có nguy cơ mất vốn tăng mạnh 58% so với hồi đầu năm lên 158 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính cũng cho thấy, EVN Finance hiện vẫn đang phải xử lý hơn 2.182 tỷ đồng nợ khó đòi tại thời điểm cuối tháng 9/2023. Số nợ khó đòi này tương đương 62% vốn điều lệ hiện có của công ty, do đó, yêu cầu phải bổ sung thêm vốn là cấp bách.

Sau khi Tập đoàn điện lực Việt Nam thoái vốn tại EVN Finance, nhóm cổ đông mới đã thực hiện tăng vốn cho công ty này thêm 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, chuyển niêm yết từ UpCoM lên HoSE vào tháng 1/2022 để tiếp tục huy động vốn trên sàn chứng khoán.

Thời gian qua, tại EVN Finance phát sinh các giao dịch với các công ty do Thành viên HĐQT đang điều hành, như đầu tư cổ phần, trái phiếu, cho vay, gửi tiền với các công ty liên quan.

 EVN Finance phát sinh các giao dịch với các công ty do Thành viên HĐQT đang điều hành. Nguồn: BCTC 

Đơn cử, đầu năm nay EVN Finance sở hữu cổ phần Công ty cổ phần Bánh Kẹo Hải Hà với giá trị gần 76 tỷ đồng và đã không còn ghi nhận vào cuối kỳ. Lý do vì ông Lê Mạnh Linh đã rút khỏi vị trí Chủ tịch và Thành viên HĐQT của Bánh Kẹo Hải Hà vào tháng 4/2023.

EVN Finance đang nắm các giấy tờ có giá Công ty cổ phần quản lý Quỹ Amber với giá trị 398 tỷ đồng và lượng tiền gửi là 183 tỷ đồng. Ông Lê Mạnh Linh hiện là Chủ tịch HĐQT của Quỹ Amber và đồng thời là Thành viên HĐQT của EVN Finance…

EVN Finance cũng cho Công ty Cổ phần Amya Holdings của ông Nguyễn Trung Thành, đồng thời là Thành viên HĐQT của 2 công ty này vay 106 tỷ đồng và ghi nhận lãi phải thu 540 triệu đồng.

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt – Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/evn-finance-evf-xu-ly-hon-226-trieu-co-phieu-e-cach-nao-491528.html