QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Giá khí đốt châu Âu tăng kỷ lục vì thiếu nguồn cung, Mỹ tăng cường hỗ trợ

Trong bối cảnh giá khí đốt châu Âu liên tục lập đỉnh do sự không chắc chắn về khối lượng và tính thường xuyên của nguồn cung từ Nga, Mỹ đã tăng cường điều tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tới các cảng ở Tây Âu để hỗ trợ các nước châu Âu vượt qua khủng hoảng năng lượng.

Giá khí đốt châu Âu tăng kỷ lục vì thiếu nguồn cung, Mỹ tăng cường hỗ trợ
Mỹ tăng số lượng tàu chở LNG tới châu Âu.

Theo Bloomberg, kể từ ngày 23/12, Mỹ đã tăng số lượng tàu chở LNG xuyên hai bờ Đại Tây Dương tới các cảng ở Tây Âu lên tới 15 chuyến/ngày, tức tăng khoảng 50%. Ngoài ra, hiện có thêm 11 tàu chở LNG khác từ Mỹ cũng đã sẵn sàng lên đường dù điểm đến chưa được công bố.

Trong 15 tàu chở LNG đã thông báo cảng đến, mỗi nước Anh, Pháp và Tây Ban Nha có 4 tàu đến; Hà Lan, Gibraltar và Malta mỗi nơi có 1 tàu đến. Một tàu chở LNG khác, chưa công bố điểm đến, đang ở cảng Milford Haven của Anh.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu vào năm 2021 cực kỳ biến động. Mới đây nhất, sau khi Nga dừng hoàn toàn việc vận chuyển khí đốt qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu vào sáng 21/12, giá hợp đồng khí đốt giao tháng 1/2022 tại trung tâm TTF ở Hà Lan tăng hơn 10% lên mức đỉnh lịch sử là 171,4 euro (khoảng 193,46 USD)/MWh).

Tuy nhiên, bước sang ngày 22/12, giá khí đốt ở châu Âu đã hạ nhiệt về mức 166 euro/MWh nhờ thông tin lượng khí đốt bơm vào các kho chứa khí đốt ngầm của châu Âu đạt kỷ lục vào ngày 21/12, theo dữ liệu được Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE) cung cấp.

Tới ngày 23/12, giá khí đốt kỳ hạn ở châu Âu tiếp tục giảm gần 30% vào cuối phiên giao dịch, xuống dưới mức 1.500 USD/1.000m3.

Phát biểu tại cuộc họp báo cuối năm được tổ chức ngày 23/12, khi được hỏi về cáo buộc rằng Nga đang thắt chặt nguồn cung khiến giá khí đốt châu Âu tăng kỷ lục trong thời gian gần đây, Tổng thống Nga Putin khẳng định rằng Nga đang hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của mình trong việc cung cấp khí đốt tới châu Âu.

Theo lời ông Putin, Đức đang bán lại khí đốt của Nga cho Ba Lan và Ukraine thay vì giải tỏa cho thị trường khí đốt đang quá nóng.

Ở động thái liên quan mới nhất, The Washington Post hồi cuối tuần qua đã dẫn các nguồn thạo tin cho biết các thượng nghị sĩ Mỹ đang thúc giục Tổng thống Joe Biden thuyết phục chính phủ mới của Đức về việc ngăn Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào vận hành.

Các thượng nghị sĩ này cáo buộc Nga sử dụng tài nguyên năng lượng làm vũ khí chống lại châu Âu sau khi châu lục này bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt do đại dịch.

Cho tới nay, Mỹ là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất và giáng nhiều đòn trừng phạt nhất lên Dòng chảy phương bắc 2 do lo ngại dự án này sẽ khiến châu Âu bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, đồng thời ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Washington sang khu vực.

Theo Minh Đăng/Vietnam Finance/Bloomberg

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/gia-khi-dot-chau-au-tang-ky-luc-vi-thieu-nguon-cung-my-tang-cuong-ho-tro-20180504224263090.htm