QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hà Nội siết chặt quản lý kinh doanh đa cấp

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, thời gian qua Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý, kịp thời ngăn chặn nhiều vi phạm trong bán hàng đa cấp (BHĐC).

Biến tướng bán hàng đa cấp

Theo Bộ Công Thương, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC, đến nay đã có 23/30 DN đang hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC. Riêng tại Hà Nội có tới 17 DN BHĐC đăng ký hoạt động theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP. Mặc dù cơ quan quản lý đã tích cực vào cuộc kiểm tra, giám sát thế nhưng BHĐC trái phép đang dần quay lại dưới các hình thức như khởi nghiệp từ tay trắng, huy động vốn, đầu tư bất động sản…

Trụ sở Công ty BHĐC Thiên Ngọc Minh Uy trước khi bị giải thể. Ảnh: Lê Nam

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã nhận được phản ánh của người dân về việc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ tổng hợp Sky (địa chỉ số 30, ngõ 3, phố Phạm Tuấn Tài) lợi dụng việc giới thiệu học viên tham gia học tiếng Anh để BHĐC. Sau khi nhận được thông tin, sở đã kiểm tra công ty trên và chuyển hồ sơ vụ việc sang Công an TP Hà Nội xử lý. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết: Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ tổng hợp Sky có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng không phải là hàng hóa mà là dịch vụ đào tạo ngoại ngữ. Qua vụ việc cho thấy hoạt động kinh doanh BHĐC đang biến tướng phức tạp.

Trước những diễn biến phức tạp của BHĐC, các cơ quan quản lý, đặc biệt là TP Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động này. Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương giám sát việc tổ chức hội nghị giới thiệu sản phẩm, tập huấn cho người BHĐC. Cụ thể năm 2017 xử lý 8 DN với số tiền phạt 1 tỷ đồng; năm 2018 đã thanh tra 8 DN BHĐC, xử phạt vi phạm hành chính 11 DN và 1 điểm tư vấn dinh dưỡng với số tiền trên 2,8 tỷ đồng. Với sự vào cuộc của các ngành chức năng, Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước trong việc xử phạt DN BHĐC vi phạm.

Tăng cường kiểm soát

Mặc dù Nghị định số 40/2018/NĐ-CP đã tạo thêm khung pháp lý cho các lực lượng chức năng quản chặt BHĐC, loại bỏ những DN lợi dụng BHĐC để lừa đảo người tiêu dùng. Nhưng trên thực tế, dù nghị định đã sửa đổi các quy định theo hướng thắt chặt quản lý nhưng vẫn chưa thể kiểm soát được những hình thức lách luật tinh vi của các đối tượng lợi dụng hoạt động BHĐC để lừa đảo người tiêu dùng.

Theo ông Phạm Văn Cao, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, nguyên nhân của tình trạng này là do DN BHĐC lôi kéo người tham gia thông qua việc tuyên truyền trực tiếp từ người này đến người khác hoặc qua hội nghị, hội thảo thường tổ chức vào ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính, thậm chí, người BHĐC đến tận nhà để chào mời… nên cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát.

Nhằm quản lý hoạt động BHĐC trên địa bàn Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 2217/UBND-KT về việc yêu cầu các sở, ngành, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm Nghị định 40/2018/NĐ-CP. Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội tiếp nhận hồ sơ thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo của DN đã được cấp xác nhận đăng ký hoạt động BHĐC trên địa bàn TP; Tổ chức thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật BHĐC; chỉ đạo Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra, giám sát hoạt động BHĐC…

Ngoài ra, để giúp người dân hiểu rõ về mô hình kinh doanh đa cấp, Sở Công Thương thường xuyên đăng tải nội dung tuyên truyền về hoạt động bán hàng đa cấp lên website của Sở, cũng như thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động này; danh sách các DN đã thông báo hoạt động hoặc bị thu hồi giấy phép, hay thông báo chấm dứt hoạt động BHĐC.

Tuy nhiên, để tránh bị lôi kéo vào bẫy lừa đảo BHĐC, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thanh Hải khuyến cáo người dân cần nhận thức rõ các dấu hiệu lừa đảo như mời chào tham gia đầu tư, nộp tiền, hứa hẹn trả các khoản lợi nhuận cao bất thường; hay khuyến khích người mua gửi hàng tại kho của công ty khi nào bán được thì đến lấy; kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng không có sản phẩm hàng hóa.

Thực tế dù hoạt động BHĐC đã được đưa vào kiểm soát chặt, tuy nhiên các sở, ngành nên tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các quy định pháp luật về BHĐC tới người dân để chủ động phòng ngừa. Bên cạnh đó, ngành công an cần thông báo tình hình, phương thức, thủ đoạn, cách thức lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp bất chính. Kiên quyết xử lý nghiêm hành vi lừa đảo trong hoạt động kinh doanh BHĐC để huy động tài chính.

Hiện trên địa bàn Hà Nội có 17 DN BHĐC gồm: Công ty TNHH Người Lái xe Mặt Trời; Công ty TNHH Amway; Công ty TNHH MTV New Image; Công ty CP Tập đoàn Liên kết Việt Nam; Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam; Công ty TNHH Siberian Health Quốc Tế; Công ty TNHH Morinda Việt Nam; Công ty TNHH Thương Mại Lô Hội; Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam; Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân; Công ty TNHH Elken International Việt Nam; Công ty TNHH Best World Việt Nam; Công ty CP Liên kết tri thức; Công ty TNHH MTV Naturally Plus Việt Nam; Công ty TNHH Perfect Global.

Theo Lê Nam/ Kinh tế đô thị

Tags: