QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hai sắc thái tương phản trong cuộc Bầu cử Mỹ 2024

Cuộc cạnh tranh gay gắt nhất giữa hai ứng cử viên tiềm năng Donal Trump và Joe Biden rất có thể chỉ xoay quanh nền kinh tế Mỹ.

Theo các chuyên gia vấn đề mang tính quyết định trong cuộc đua giữa ông Trump và Tổng thống Biden, chỉ có thể là “sức khỏe” nền kinh tế Mỹ. 

Cuộc thăm dò của ABC News/Ipsos vào tháng 11, cho thấy, 74% người Mỹ nói rằng kinh tế rất quan trọng đối với họ, khiến nó trở thành mối quan tâm hàng đầu của cử tri.

Hiện nay, chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên đều không phản hồi yêu cầu bình luận của truyền thông.

Tuy nhiên, đương kim Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump hiện có sự tương phản rõ rệt về các chủ đề ảnh hưởng mật thiết đến tài chính của người dân Mỹ, bao gồm thuế, việc làm và thương mại.

Nếu trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Biden đã tìm cách tăng thuế đối với người giàu và một số tập đoàn lớn và coi mục tiêu đó là nỗ lực nhằm mang lại sự công bằng cho luật thuế. 

Cựu Tổng thống Trump lại có quan điểm không giống như vậy, ông dường như sẵn sàng duy trì, thậm chí là muốn đảo ngược chính sách này, bằng cách cắt giảm thuế vốn được ông coi là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế.

Ông Donald Trump cam kết gia hạn các khoản cắt giảm thuế đã được ký thành luật trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, khi chúng bắt đầu giảm dần vào năm 2025.

Tiết lộ với ABC News, Stephen Moore, người từng là cố vấn kinh tế cho cựu Tổng thống cho biết, nếu giành được thắng lợi chính quyền của Tổng thống Trump có thể tìm cách cắt giảm thuế hơn nữa, nhưng chi tiết về đề xuất như vậy vẫn chưa chắc chắn. 

Ngược lại, chính quyền của đương kim Tổng thống Biden đã đề xuất tăng thuế đối với những người giàu có và ưu tiên cho một số biện pháp cắt giảm thuế của người tiền nhiệm Donald Trump sớm hết hiệu lực.

Mục tiêu của ông Biden nhắm đến đó là các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao.

 Năm ngoái, chính quyền Mỹ đương nhiệm đã đề xuất kế hoạch thuế năm 2024, bao gồm thuế 25% đối với tài sản của những cá nhân có tài sản ròng vượt quá 100 triệu USD.

Ông Biden cho biết, kế hoạch này sẽ chỉ phải áp dụng cho 0,01% người Mỹ.

Quốc hội Mỹ hiện đang bị chia rẽ về vấn đề này, có thể sẽ không thông qua việc tăng thuế như vậy, nhưng Tổng thống Biden có thể theo đuổi nó nếu tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

Ảnh minh hoạ 

Về đối ngoại, dù chiến dịch tranh cử của ông Biden chưa đưa ra chương trình nghị sự về chính sách thương mại trong nhiệm kỳ thứ hai, nhưng chính quyền của ông cho đến nay vẫn giữ thái độ cứng rắn đối với một số quốc gia được coi là đối đầu như Trung Quốc, trong khi xúc tiến đạt các thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế khác.

Cụ thể, Tổng thống Biden đã giữ nguyên mức thuế do người tiền nhiệm Trump áp đặt đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, làm leo thang cuộc đối đầu với nền kinh tế số 2 thế giới thông qua các biện pháp “thắt chặt” bổ sung, chẳng hạn như lệnh cấm xuất khẩu chip tiên tiến sang nước này.

Mặt khác, Mỹ trong những năm gần đây đã đạt được các hiệp định thương mại một số mặt hàng với các nền kinh tế như Đài Loan (Trung Quốc), hay đồng minh Nhật Bản.

Về phần cựu Tổng thống Trump, ông dự kiến tăng cường chính sách thương mại mang tính đối đầu, được thiết lập trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, hứa hẹn sẽ áp thuế đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu.

Ông Trump cũng có kế hoạch thắt chặt các hạn chế đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, bao gồm “kế hoạch 4 năm, nhằm loại bỏ dần tất cả hàng hóa nhập khẩu thiết yếu của Trung Quốc”, theo một loạt đề xuất được đưa ra hồi tháng 2 năm ngoái.

Không ai có thể đoán trước nền kinh tế Mỹ sẽ như thế nào trong nhiệm kỳ của bất kỳ một vị tổng thống nào. 

Đã từng có dự báo rằng nếu ông Trump trúng cử vào năm 2016, nước Mỹ sẽ đối mặt với thảm họa kinh tế, nhưng thực tế cũng đã cho thấy dự báo đó hoàn toàn sai. Vào đêm của ngày bầu cử năm đó, các chỉ số tương lai của thị trường chứng khoán Mỹ giảm chóng mặt, nhưng thị trường nhanh chóng đảo chiều và kết thúc trong sắc xanh rực rỡ, ngay trong ngày hôm sau.

Theo Nguyễn Linh/Tạp chí Việt-Mỹ