QC 1
Thứ 3, ngày 30/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hạn chế đội ngũ “cò” tham gia đấu giá

Luật chưa quy định đấu giá viên hoặc người có tài sản đấu giá được quyền dừng hoặc yêu cầu dừng cuộc đấu giá để xử lý các trường hợp tương tự.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sáng 28/11, Đại biểu quốc hội (ĐBQH) nhận định, tình trạng thông thầu, thông đồng, “quân xanh, quân đỏ”, cò mồi, đe dọa cưỡng ép xảy ra khá tinh vi và có xu hướng ngày càng phức tạp.

Do vậy, khi sửa đổi luật, cần có các quy định chặt chẽ, công khai, minh bạch để phòng ngừa những hành vi này.

Giá khởi điểm 24 tỷ đồng nhưng giá trúng đấu giá lên tới 1.684 tỷ đồng

Tham gia thảo luận vào dự án luật, đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng, quy định mức tiền đặt trước từ 5 – 20% như hiện hành là phù hợp. Nếu nâng lên quá cao sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do giao dịch, giảm tính cạnh tranh, ít người tham gia đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề xuất cần có chế tài để “siết” tình trạng đấu giá ảo, nhiễu loạn thị trường. Sau thời gian nhất định mà người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì ngoài việc mất tiền đặt trước còn bị phạt thêm một số tiền.

“Cần có quy định xử phạt và việc xử phạt này phải phải dựa trên cơ sở bổ sung các quy chế, chế tài có liên quan”, bà Dung nói.

 Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Theo đại biểu tỉnh Long An, nhiều cuộc đấu giá có biểu hiện bất thường, trả giá quá cao so với mặt bằng chung, nhất là tài sản công (quyền sử dụng đất, quyền khai thác mỏ), giá trả cao hơn giá khởi điểm tới 204 lần.

“Từ giá khởi điểm 24 tỷ đồng nhưng giá trúng đấu giá lên tới 1.684 tỷ đồng”, bà Dung dẫn chứng và nhấn mạnh: Luật chưa quy định đấu giá viên hoặc người có tài sản đấu giá được quyền dừng hoặc yêu cầu dừng cuộc đấu giá để xử lý các trường hợp tương tự.

Đại biểu Mỹ Dung đề xuất, sau thời gian nhất định mà người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì ngoài việc mất tiền đặt trước còn bị phạt thêm một số tiền. Tất nhiên, việc phạt này phải dựa trên cơ sở bổ sung các quy chế, chế tài có liên quan.

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu rà soát, liệt kê những tài sản phải đấu giá như dự thảo luật đã đầy đủ chưa, có chồng chéo với các luật chuyên ngành khác hay không. Bên cạnh đó, cần xem xét có những loại tài sản có thể phát sinh mới trong cuộc sống mà không được ghi vào luật thì được đấu giá hay không?

Theo ông Hoà, đây là vấn đề nhạy cảm, bởi thực tiễn có rất nhiều trường hợp người đã trúng đấu giá chấp nhận bỏ tiền cọc mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính, gây lũng đoạn thị trường, gây dư luận xã hội không tốt thời gian qua.

“Điển hình như vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, các cuộc đấu giá biển số xe ô tô hay 3 mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp 200 lần”, đại biểu đoàn Đồng Tháp cho biết.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp 

  Để chấm dứt tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, ông Hòa cho rằng, cần có các biện pháp như nâng mức đặt cọc cao hơn so với quy định hiện hành, áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính, không cho tham gia đấu giá lần tiếp theo.

“Có như thế mới giữ được kỷ cương trong hoạt động đấu giá tài sản, không chấp nhận đối tượng nào có tiền muốn làm thế nào thì làm, làm xáo trộn thị trường”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói, đồng thời đề nghị công nhận kết quả đối với người trả giá cao thứ hai, không cần tổ chức đấu giá lại, tránh tốn kém.

Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, vụ đấu giá 3 mỏ cát cao bất thường ở Hà Nội cho thấy, luật cần bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm và chế tài đối với vi phạm trong việc xác định giá khởi điểm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực quản lý giá, quản lý đất đai, quản lý tài sản công, quản lý tài sản bảo đảm, tịch thu tài sản thi hành án và trách nhiệm dân sự. 

Đại biểu Thanh cho rằng, để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đấu giá chỉ nên duy trì hai hình thức là đấu giá bằng lời nói và đấu giá trực tiếp. Đồng thời, cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên quan, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá, người tổ chức đấu giá.

Ông Thanh yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung quy định nhằm hạn chế tình trạng bỏ cọc, ngăn ngừa tình trạng phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thao túng, gây rối.

Hạn chế đội ngũ cò tham gia đấu giá

Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đồng tình với việc tăng số tiền đặt cọc lên tối thiểu 20% như nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị…

Đại biểu Nga cho rằng, để hoạt động đấu giá tài sản đạt hiệu quả tốt nhất, theo đại biểu tăng số tiền đặt cọc lên con số lớn để tránh tình trạng đối tượng cò tham gia đấu giá để trục lợi, nhất là đấu giá đất.

“Tôi cũng rất nhất trí với các đại biểu phát biểu trước tôi, hiện nay dự thảo luật đang quy định số tiền là từ 5 – 10% giá trị tài sản, tuy nhiên tôi đề nghị tăng số này lên tối thiểu là 20% như nhiều đại biểu trước đề nghị. Bởi vì con số tối đa thì giao quyền cho các địa phương căn cứ vào đặc điểm tình hình để xác định nhưng không thấp hơn 20%. Như vậy những người có nhu cầu thực sự sẽ tham gia, còn các đối tượng cò sẽ bị hạn chế tham gia do số tiền đặt cọc lớn”, đại biểu Nga nêu rõ.

Đại biểu Thái Thị An Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng cần tạo điều kiện mở rộng đối tượng hành nghề và chất lượng đấu giá viên. Theo Đại biểu Thái Thị An Chung nhận thấy hồ sơ dự thảo chuẩn bị đầy đủ chu đáo, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn. Về các quy định đối với đấu giá viên, đại biểu cho biết hiện số lượng đấu giá viên ngày càng ít và có xu hướng giảm nên đại biểu nhất trí mở rộng đối tượng hành nghề đấu giá viên như dự thảo Luật.

Nhằm nâng cao chất lượng đấu giá viên, đại biểu cho rằng việc dự thảo luật bỏ Điều 12 trong luật hiện hành về miễn đào tạo đấu giá đối với người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên, thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên là hoàn toàn phù hợp.

Đại biểu Thái Thị An Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An 

Về bước giá, đại biểu cho rằng để bảo đảm nguyên tắc trong đấu giá tài sản là không hạn chế việc trả giá theo khả năng và nhu cầu người tham gia đấu giá thì chỉ nên quy định bước giá là mức chênh lệch tối thiểu giữa lần trả giá đầu tiên so với giá khởi điểm, hoặc giữa lần trả giá sau so với trả giá trước, bước giá do người có tài sản quyết định đối với từng quốc đấu giá hoặc quy định trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hoặc người có tài sản thông báo bằng văn bản.

Về Trang thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, đại biểu cho biết dự thảo Luật không quy định về Cổng hiện hữu mà lại quy định về Cổng đấu giá tài sản quốc gia. Đại biểu đề nghị làm rõ thêm.

Về tiền đặt trước, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng để hạn chế cò đấu giá và bỏ cọc, đại biểu đề nghị nên nâng tỉ lệ tiền đặt trước.

Theo Hoàng Quỳnh/Tạp chí Việt – Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/tim-hieu-phap-luat/han-che-doi-ngu-co-tham-gia-dau-gia-491628.html