QC 1
Thứ 2, ngày 24/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hàng chục tỉ nộp lại khắc phục sai phạm sau khi nhúng chàm: Tiền ở đâu ra mà lắm thế?

Xung quanh vụ Hạc Thành Tower, đến nay, các quan chức nhúng chàm đã nộp lại hơn 50 tỷ đồng tiền khắc phục sai phạm. Dư luận một lần nữa đặt câu hỏi, tiền ở đâu ra mà lắm thế?

Như tin đã đưa,sau khi bị khởi tố liên quan đến sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã nộp 45 tỷ đồng (mỗi người 22,5 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả sai phạm. Tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cũng cho hay, liên quan tới sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower, bà Đinh Cẩm Vân, cựu Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa đã nộp 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Hàng loạt cự lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nhúng chàm đã nhanh chóng “khắc phục hậu quả” khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn trên các diễn đàn: “Tiền ở đâu mà lắm thế?”, “Khi kê cai tài sản thì hầu như chẳng có gì bất thường mà khi đụng chuyện thì mấy chục tỉ nộp cả mấy chục tỷ để khắc phục hậu quả”, “Tiền này nguồn gốc từ đâu?”….

Cựu chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nộp 45 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower. Ảnh: Thanhhoa.gov.vn

Khong chỉ câu chuyện sai phạm ở Thanh Hóa mới có việc nộp mấy chục tỷ để khắc phục hậu quả sai phạm. Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Qua vụ việc, hàng loạt các lãnh đạo cũng đã phát lộ những tài sản lớn.

Trong vụ án chuyến bay giải cứu, nhiều bị cáo đã nộp hàng chục tỷ đồng để khắc phục hậu quả: Phạm Trung Kiên nộp 42 tỷ đồng, Vũ Anh Tuấn nộp hơn 20 tỷ đồng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nộp 16 tỷ đồng…

Mới đây nhất, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng cũng nộp toàn bộ số tiền chiếm đoạt 18,8 tỷ đồng sau một thời gian dài quanh co chối tội.

Hay trong vụ án Công ty Việt Á, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã khắc phục phần lớn số tiền nhận hối lộ hơn 51 tỷ đồng… Do vậy, việc dư luận bức xúc và đặt dấu hỏi về nguồn gốc tài sản và sự không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của một bộ phận người có chức, có quyền là điều có thể hiểu được.

Liệu việc kê khai tài sản của các cán bộ, quan chức thời gian vừa qua có đảm bảo tính trung thực? nếu cán bộ có thể khai thác thiếu chính xác về tài sản thì kẽ hở nằm ở đâu?

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định cán bộ, công chức không chỉ kê khai tài sản của mình mà còn phải kê khai tài sản của người thân.

Theo đó, Luật này có nhiều quy định liên quan đến việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Đáng chú ý, Luật năm 2018 vẫn giữ nguyên yêu cầu “Cán bộ, công chức phải kê khai tài sản của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên” như Luật năm 2005.

Cụ thể, tại Điều 33, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập như sau: Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên theo quy định của Luật này….

Tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm: Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài; Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

Giống như việc kê khai tài sản của bản thân, cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập của vợ/chồng, con theo quy định tại Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Có thể thấy, về luật pháp, các quy định cũng đã rất cụ thể, rõ ràng.

Cũng theo Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm cũng nêu “kê khai tài sản, thu nhập không trung thực” (Điều 9)…

Tại Hội nghị về Công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của Thanh tra Chính phủ diễn ra cuối năm 2023, các cơ quan chức năng đã đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế theo dõi tình hình tại địa phương và Trung ương cho thấy công tác kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình kê khai hay quá trình kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập đối với các đối tượng kê khai.

Thông tin từ Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong năm 2022, chỉ có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

ĐIển hình như sự việc của Cựu Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – Trần Đình Thành khi rơi vào vòng lao lý với nhiều sai phạm, trong đó có việc kê khai tài sản không trung thực.

Trước khi bị xử lý, cán bộ này thuộc diện phải kê khai tài sản và đều đặn thực hiện qua mỗi năm.

Thế nhưng, khi cơ quan điều tra vào cuộc mới phát hiện hành vi tham nhũng, nhận hối lộ với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng; tài sản kê khai và tài sản thực chênh nhau một cách bất thường.

 Cựu bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành. Ảnh: TTXVN

Điển hình gần đây nhất, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kết luận trường hợp ông Lê Đức Thọ (từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhiệm kỳ 2020 – 2025) “đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định. Vi phạm của ông Lê Đức Thọ mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân”.

Sau đó, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ – cùng mức chịu xử lý kỷ luật như ông Trịnh Văn Chiến.

Việc kê khai tài sản thu nhập của cán bộ có chức, có quyền đã có đầy đủ từ luật pháp đến các quy định của Đảng.

Tuy nhiên, tính minh bạch của việc kê khai tài sản của cán bộ công chức lại càng nóng hơn khi qua hàng loạt các vụ bê bối, nhiều câu hỏi nghi ngờ của dư luận, cử tri cả nước được đặt ra.

Có ý kiến cho rằng việc kê khai tài sản hiện nay được tiến hành chủ yếu theo “mùa vụ”, đến dịp, đợt thì đồng loạt kê khai, nhưng giải pháp này xem ra chưa phát huy cao nhất trách nhiệm và tính tự giác của cán bộ.

Bởi thế, cần có thêm những quy định cụ thể khác mang lại hiệu quả sát thực, ví như việc biến động tài sản, thu nhập theo định mức cụ thể bắt buộc cán bộ phải kê khai bổ sung, báo cáo kịp thời với tổ chức chứ không chờ đến cuối năm, hoặc khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.

Nói về việc kê khai tài sản của các cán bộ, quan chức, ông Nguyễn Bá Thuyền Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng) cho rằng để thuận lợi cho hoạt động xác minh tài sản, bên cạnh việc thực hiện nghiêm theo quy định là niêm yết công khai tại trụ sở, hoặc tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ sắp được bổ nhiệm, chúng ta cần thực hiện công khai tại địa phương cán bộ sinh sống.

Chỉ có như vậy thì đồng nghiệp, cấp dưới và quần chúng mới nắm bắt thực chất thu nhập, biến động tài sản của cán bộ để giám sát hiệu quả.

Không trung thực, che giấu tài sản, thu nhập chính là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nếu không ngăn chặn kịp thời thì dễ dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, biến chất…

Để không còn những sự việc “cháy nhà ra triệu đô”, việc kê khai tài sản cần phải đi vào thực chất, khắc phục tính hình thức và hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm bịt kẽ hở tránh để những kẻ xấu lợi dụng.

Việc khắc phục các kẽ hở của việc kê khai tài sản không chỉ giúp cán bộ giữ mình, giúp cán bộ ‘không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng’, nâng cao vị thế uy tín của Đảng và Nhà nước đối với quần chúng nhân dân. 

Theo Hoàng Quỳnh/Tạp chí Việt-Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/tim-hieu-phap-luat/hang-chuc-ti-nop-lai-khac-phuc-sai-pham-sau-khi-nhung-cham-tien-o-dau-ra-ma-lam-the-492183.html