QC 1
Thứ 7, ngày 18/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hàng triệu tỷ đồng giá trị bất động sản đang được thế chấp tại ngân hàng

Thống kê trên 23 ngân hàng thương mại cổ phần tính đến cuối năm 2018, có 5,7 triệu tỷ đồng giá trị bất động sản và tài sản liên quan đến quyền bất động sản đang được thế chấp tại các ngân hàng này, tăng 22,2% so với năm 2017.  

Con số này cũng tương ứng chiếm 57,4% tổng giá trị tài sản thế chấp theo mệnh giá đang được các bên đi vay thế chấp tại các ngân hàng. Lưu ý, con số này chỉ là giá trị sổ sách của các tài sản, không phản ánh hết giá trị thực tế của khối bất động sản này.

Hàng triệu tỷ đồng giá trị bất động sản đang được thế chấp tại ngân hàng. Ảnh minh họa

Trong đó, mặc dù có giá trị bất động sản thế chấp lớn nhất trong danh sách thống kê với hơn 1 triệu tỷ đồng, song VietinBank cũng là nhà băng có mức tăng giá trị bất động sản thế chấp thấp nhất với 8,8%.

Mức tăng lớn nhất đến từ MaritimeBank với giá trị bất động sản thế chấp đến cuối 2018 là 36.006 tỷ đồng, tăng 73% trong năm 2018. Trong khi đó, xét về tỷ trọng giá trị bất động sản/tổng giá trị tài sản thế chấp, ACB đang đứng đầu bảng với 89,5%. Kiên Long Bank và Sacombank cũng xấp xỉ 80%.

Bất động sản vẫn là loại hình tài sản thế chấp được ưa thích đối với các nhà băng. Tuy không có chi tiết về đối tượng thế chấp cũng như mục đích vay vốn của khối bất động sản thế chấp trên, song đối với thị trường bất động sản, hầu hết các dự án đều được “gửi” ở ngân hàng nhằm đảm bảo cho khoản vay xây dựng, đầu tư của chủ đầu tư.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản còn nhiều tiềm ẩn rủi ro đối với ngân hàng. Nguyên nhân là do quy định pháp luật đối với thị trường bất động sản còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình bất động sản mới.

Đầu tư kinh doanh bất động sản là kênh đầu tư có kỳ vọng lợi nhuận cao nên dễ dẫn đến đầu cơ trên thị trường. Đồng thời, tình trạng mất cân đối cung cầu vẫn tồn tại ở một số phân khúc bất động sản cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến rủi ro trong việc cấp tín dụng.

Riêng các dự án BOT và BT, việc cấp tín dụng tiềm ẩn rủi ro trong dài hạn vì đây là các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian cho vay dài. Trong khi năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế, tài sản đảm bảo chủ yếu là quyền thu phí trong khi chính sách phí chưa thực sự ổn định, do đó nguy cơ chuyển nợ sang nhóm nợ xấu là rất lớn.

Theo Văn Khương/Thời báo chứng khoán