QC 1
Chủ nhật, ngày 26/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hệ thống ‘cây xăng thế hệ mới’, đi xe điện không lo sạc pin

Để tăng sức cạnh tranh, nhiều thương hiệu xe điện trên thị trường tập trung nâng cao dung lượng pin, xây dựng trạm sạc. Trong khi đó một start-up xe điện Việt lại muốn xóa bỏ khái niệm về quãng đường ở xe điện.

Đa dạng về quy mô kinh doanh và phân khúc sản phẩm nhưng các hãng xe điện nội địa như Vinfast, Selex Motors, Datbike, Pega… đều đặt ra một thách thức: Làm thế nào để nâng cao khả năng chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt là khi phải đối mặt trực tiếp với sự cạnh tranh từ xe xăng. 

Thị trường xe máy điện tăng nhưng vẫn còn dè dặt

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có hơn 3 triệu xe điện 2 bánh lưu hành. Thị phần xe điện tăng từ 5,4% năm 2019 lên 10% năm 2021 và tiếp tục tăng mạnh từ năm 2022. 

Tuy nhiên, so với hơn 70 triệu xe 2 bánh chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, con số 3 triệu xe điện vẫn khá khiêm tốn và chủ yếu tập trung tại phân khúc khách hàng là học sinh sinh viên hoặc người cao tuổi – những người có quãng đường đi lại thấp (dưới 30km/ngày). Điều đó thể hiện thị trường vẫn dè dặt với sản phẩm này. 

Nhận định về thực tế trên, anh Hoàng Anh (chủ đại lý xe máy điện tại TP.HCM) cho biết: “Việc nạp nhiên liệu lâu, quãng đường đi của xe điện bị giới hạn là một trong những rào cản ảnh hưởng đến quyết định mua xe của khách hàng”. 

“Nếu như các hãng giải quyết được vấn đề về tiện lợi trong nạp năng lượng, chắc chắn xe điện sẽ đắt như tôm tươi chứ không còn tập trung ở một số thị như học sinh hay các chị em nội trợ”, anh nói.  

Xe điện hai bánh của VinFast đều xuất xưởng từ nhà máy tại Cát Hải (Hải Phòng)

Trong “cuộc đua” chiếm thị phần, mỗi thương hiệu đều có chiến lược riêng. Tuy vậy, điểm chung của các thương hiệu xe điện là tập trung vào việc nâng cao quãng đường tối đa cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng trạm sạc tại các trung tâm thương mại, siêu thị, quán cà phê. 

Trên thế giới, mô hình trạm sạc kết hợp với các cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại khá phổ biến. Tại Mỹ và Canada, chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tích hợp hệ thống sạc điện 7Charge. Thương hiệu đồ ăn nhanh Subway cũng tích hợp điểm sạc tại cửa hàng của mình.

Với một số hãng xe điện tại Việt Nam như Datbike, đứng trước lựa chọn “phủ trạm sạc nhanh” hay “đầu tư vào công nghệ xe”, hãng xe đã chọn cách thứ hai. Cụ thể, thương hiệu xe điện này này chú trọng ngoại hình chiếc xe đồng thời nâng cao quãng đường tối đa mỗi lần sạc của chiếc xe điện. 

Đại diện Datbike tin rằng nếu sản phẩm đủ tốt, chiếc xe đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng thì sẽ dễ dàng xây dựng tiện ích hệ sinh thái kèm theo. 

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều dòng xe máy điện trên thị trường có quãng đường tối đa khá lớn – 100 km đến 200 km/lần sạc. 

Theo chia sẻ của một chuyên gia về pin xe điện, việc tăng quãng đường của chiếc xe không phải việc khó, các hãng hoàn toàn có thể khiến quãng đường mỗi lần sạc của xe điện bứt phá trên 300 km. Chỉ cần tăng dung lượng pin/bình hoặc số lượng pin/bình sạc trên xe. Tuy vậy, việc này sẽ đánh đổi bằng rất nhiều thứ. 

“Quãng đường tăng đồng nghĩa với khối lượng pin tăng, có thể  chiếm tới hơn 40% khối lượng xe. Như vậy xe sẽ nặng bất thường và sẽ khó điều khiển. Không những vậy một phần không nhỏ năng lượng của xe chỉ dành để tải khối pin, gây lãng phí.

Về mặt kinh tế, dùng nhiều dung lượng pin sẽ tăng chi phí pin đáng kể. Nếu chạy đua về quãng đường mà chi phí cho pin lại quá lớn thì sẽ hạn chế khả năng tiếp cận xe điện của người dân. Chưa kể người dùng còn phải định kỳ chi trả để thay thế các khối pin đắt đỏ khi bị chai hoặc lạc hậu kỹ thuật”, vị chuyên gia chia sẻ.

 Thay vì sạc lâu thì đổi pin trong vài phút

Đã có một “cơn gió đổi chiều” trong cuộc đua cải thiện giá trị của xe điện tại thị trường Việt Nam. Thay vì chạy đua về quãng đường, Selex Motors – một start-up đã chọn hướng phát triển hệ sinh thái cho xe điện. Hãng đã tiên phong phát triển mạng lưới trạm đổi pin thay vì tập trung vào trạm sạc nhằm xóa bỏ quãng đường tối đa của xe điện. 

Quãng đường di chuyển sau một lần sạc là vấn đề mà nhiều người tiêu dùng quan tâm khi mua xe máy điện

Giải thích cho hướng đi này, CEO Selex Motors, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên cho biết: “Khi mua xe xăng, gần như không một ai quan tâm việc chiếc xe đổ đầy bình đi được bao xa. Nhưng khi mua xe điện, ai cũng hỏi về quãng đường một lần sạc. Mặc dù xe điện hay xe xăng, khi đầy bình hoặc đầy pin cũng chỉ đi được khoảng 100km – 120km. 

Tâm lý đó xuất phát từ sự khác biệt trong phương thức và thời gian nạp nhiên liệu 2 loại xe. Cây xăng mọc khắp nơi, người dùng chỉ mất vài phút nạp nhiên liệu cho quãng đường hơn 100 km. Xe điện thì ngược lại, thời gian nạp nhiên liệu lâu và hạ tầng trạm sạc lại chưa phổ biến. 

Nếu việc nạp nhiên liệu của xe điện cũng giống y như việc đổ xăng: Chỉ mất khoảng 2 phút. Đồng thời mạng lưới trạm nạp năng lượng phổ biến như trạm xăng thì chắc chắn sẽ không ai quan tâm đến quãng đường tối đa ở chiếc xe điện nữa. 

Đó là lý do chúng tôi tập trung xây dựng trạm đổi pin thay vì nâng cao dung lượng pin. Việc đổi pin nhanh, tiện như đổ xăng với trải nghiệm văn minh hơn. Và thực tế chúng tôi đã làm được”. 

Nhờ hướng đi trên, trong năm 2023, Selex Motors trở thành đối tác của nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực giao vận, sàn thương mại điện tử như Lazada, ShopeeFood, Grab, Viettel Post, Gojek… Hãng cũng đã thành công trong việc thu hút khách hàng tài xế – đối tượng có nhu cầu di chuyển từ 200km đến 400km/ngày. 

Anh Hoàng Minh Vũ (tài xế ShopeeFood) cho biết: “Mỗi ngày tôi di chuyển từ 200km – 300km, hôm nào chạy tăng cường ca đêm thì di chuyển đến 350km đến gần 400km mỗi ngày. Từ khi biết xe điện có thể chạy không giới hạn quãng đường, không phải chờ sạc, chạy liên tục cả ngày… tôi đã mua xe để phục vụ công việc của mình. Vừa tiết kiệm hơn xe xăng lại vừa tốt cho sức khỏe vì xe điện chạy không bị tê tay, không khói bụi, tiếng ồn”. 

Không chỉ tập trung xóa bỏ quãng đường tối đa cho xe của hãng, Selex Motors còn hướng tới xây dựng “cây xăng thế hệ mới” cho thị trường xe điện nói chung, xóa bỏ hoàn toàn khái niệm “quãng đường tối đa” của xe điện. 

Một trong những hành động của hãng này để hiện thực hóa hướng đi trên là phát triển công nghệ pin tương thích với khoảng 70% xe điện trên thị trường.

Đây cũng được xem là điểm khác biệt lớn nhất của start-up này so với các thương hiệu khác như Vinfast, Pega hay Datbike – vốn chỉ đang tập trung vào công nghệ sạc nhanh và trạm sạc chỉ dành riêng cho các dòng xe của thương hiệu đó. 

“Khả năng dùng chung hạ tầng năng lượng là một trong những điểm quyết định về sự phát triển của xe điện trong tương lai. Với xe xăng, chúng ta không thể xây 10 cây xăng cho 10 hãng xe khác nhau. Và xe điện cũng vậy, nếu như hạ tầng đổi pin có thể dùng chung hạ tầng cho hầu hết xe điện, quãng đường tối đa của xe điện bị xóa bỏ thì lúc đó xe điện mới thực sự “cất cánh” và cuộc đại cách mạng xanh hóa giao thông sẽ thành công”, CEO Selex Motors phân tích.

Theo Bảo Minh/ VietnamFinance