QC 1
Chủ nhật, ngày 30/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hơn 157.000 tỷ đồng có thể được bơm ra thị trường trong tháng 7 và 8/2021

Theo Chứng khoán SSI (SSI Research), trong 2 tháng đầu năm nay, các ngân hàng thương mại đã bán gần 7 tỷ USD kỳ hạn 6 tháng ở tỷ giá 23.125 VND/USD về Ngân hàng Nhà nước nên ước tính có khoảng 157.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường tới đây.

Yếu tố hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng

Bản tin phân tích thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 8-12/3 của SSI Research cho biết tuần qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không phát sinh giao dịch qua thị trường mở. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục đi ngang ở mức 0,33%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,48%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Đáng chú ý, Bản tin của SSI Research cho biết trong 2 tháng đầu năm nay, các ngân hàng thương mại đã bán gần 7 tỷ USD về NHNN với kỳ hạn 6 tháng, tương ứng với khoảng 157.000 tỷ đồng được bơm ra vào tháng 7 và 8/2021.

“Đây là yếu tố hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và giúp lãi suất tiền gửi trên liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp”, SSI Research nhận định. 

Trong tuần, một số ngân hàng (Techcombank, VPBank) điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi từ 0,2 – 0,5 điểm % với khách hàng cá nhân nhưng không thay đổi với khách hàng tổ chức. Trước đó, trong tháng 2, một số ngân hàng (Vietcombank, ACB, SHB…) lại điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi 0,1 – 0,4 điểm %.

Việc tăng/giảm lãi suất tiền gửi gần đây chỉ mang tính chất cục bộ theo phân tích của SSI Research. Mặt khác, khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng thì lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn giữ ở mức thấp hiện tại trong quý I và đầu quý II/202, tiến tới có thể nhích tăng từ cuối quý II/2021.

Tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao

Mặc dù trên thực tế, nguyên nhân lạm phát có nhiều yếu tố, một phần do giá cả nguyên vật liệu đầu vào, một phần là do tổng cầu hay còn do tỷ giá hối đoái, tăng trưởng cung tiền quá cao.

Song, với tốc độ tăng trưởng cung tiền ở mức cao so với các nước trong khu vực đồng thời cao hơn so với mức độ tăng trưởng thật của nền kinh tế (tăng trưởng GDP 3- 7% trong khi tăng trưởng cung tiền 14-15%) thì việc bơm tiền sẽ tiềm ẩn gia tăng lạm phát tại Việt Nam.

Trả lời báo chí mới đây, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng cần hết sức cẩn trọng với chính sách tiền tệ.

Cụ thể, theo ông Phạm Thế Anh “chống lạm phát không có cách gì khác ngoài việc tăng lãi suất cùng với làm chậm lại quá trình tăng trưởng cung tiền”. Trong đó giải pháp hạ lãi suất cho vay được xem là giải pháp mấu chốt kiềm chế lạm phát thay vì hạ lãi suất huy động như hiện nay. Bởi việc hạ lãi suất huy động sẽ hướng dòng tiền sang các kênh đầu tư khác, mà chính xác hơn là đầu cơ tài sản chứ không đi vào sản xuất. Việc này lâu dài sẽ gây tác động lên nền kinh tế, làm nguồn lực của nền kinh tế phân tán vào các kênh đầu cơ tài sản mà không đi vào sản xuất.

Theo Thái Anh/Việt Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/kinh-te/hon-157-000-ty-dong-co-the-duoc-bom-ra-thi-truong-trong-thang-7-va-8-2021-489451