QC 1
Thứ 7, ngày 18/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Huy động vốn của doanh nghiệp vẫn đè nặng ngân hàng

Việc huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp vẫn “đè nặng” lên vai hệ thống ngân hàng. Do đó, cần thúc đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển trở thành kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế.

Ảnh minh họa

Năm 2018, TTCK Việt Nam là kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế, được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn. Theo đó, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đạt hơn 278.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017, trong đó Chính phủ huy động 192.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp huy động được hơn 86.000 tỷ đồng.

Dòng vốn gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục chảy vào TTCK Việt Nam trong khi nhà đầu tư nước ngoài rút ròng ở các thị trường trong khu vực. Giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu cao nhất với nhiều phiên mua ròng có giá trị cao đột biến hơn 100 triệu USD, thậm chí có phiên có giá trị mua ròng đạt mức kỷ lục, hơn 1,25 tỷ USD.

Tính chung trong cả năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn. Dòng vốn nước ngoài vào ròng trên TTCK vẫn duy trì ở mức cao (2,75 tỷ USD năm 2018 so với 2,92 tỷ USD năm 2017), thể hiện cầu đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Năm 2018, các doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn tập trung ở một số doanh nghiệp lớn như Masan, Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai…, và bên mua cũng chủ yếu là các tổ chức tài chính, ngân hàng. Do đó, việc huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế hiện nay vẫn đè nặng lên vai hệ thống ngân hàng thương mại.

Theo Hoài Dương/Thời báo Chứng khoán