QC 1
Thứ 5, ngày 02/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Khơi thông tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Tính đến ngày 27/3, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 13,651 triệu tỷ đồng, tăng 0,61% so với cuối năm 2023.

Phát biểu tại hội thảo với chủ đề “Khơi thông nguồn vốn ra thị trường”Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết,  để thúc đẩy tín dụng, ngay từ đầu năm, ngành ngân hàng đã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như giảm lãi suất.

Đến nay, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Qua đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần phục hồi.

Tính đến ngày 27/3, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 13,651 triệu tỷ đồng, tăng 0,61% so với cuối năm 2023.

Tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, đến cuối tháng 2, tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm 24,35% dư nợ toàn nền kinh tế; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 17,94%; tín dụng lĩnh vực xuất khẩu chiếm 2,25%; tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,75%…

Tuy nhiên, tín dụng đầu năm tăng thấp do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp chưa cao. Điểm sáng của hoạt động ngân hàng là tín dụng đã phục hồi, tăng trưởng trở lại trong tháng 3.

Do vậy, hội thảo tập trung bàn các giải pháp khơi thông tín dụng nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất – kinh doanh và góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

 Ông Đào Minh Tú,Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Dự hội thảo từ đầu cầu Hà Nội, ông Đào Minh Tú đánh giá khơi thông nguồn vốn ra thị trường là nội dung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và người dân quan tâm.

Tuy nhiên, dù vốn ngân hàng dồi dào nhưng vẫn là vấn đề khó khăn đối với một số doanh nghiệp; đặc biệt hiện lãi suất thấp nhất trong 20 năm qua. Vậy để tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển?

Theo ông Đào Minh Tú, đối với các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước luôn đảm bảo thanh khoản đầy đủ, thậm chí dư giả.

Ngoài ra, với vai trò là cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng các công cụ chính sách để đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.

“Vốn cho nền kinh tế không thiếu. Hạn mức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước giao cho ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm với 15%.

Nếu như điều kiện nền kinh tế cho phép, nền kinh tế cần vốn cho các lĩnh vực là động lực tăng trưởng thì có thể tăng hạn mức tín dụng lên”, ông Tú nhấn mạnh.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02.

Để tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa thay vì kết thúc vào 30/6 tới.

 Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đều có chung đề xuất là các ngân hàng nên tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Phó giáo sư Phạm Thị Thanh Xuân, Trường Đại học Kinh tế-Luật thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, nhận định lợi ích của việc duy trì lãi suất cho vay thấp sẽ kích thích ý định đầu tư và tiêu dùng từ tương lai về hiện tại.

Dưới góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TPHCM đề xuất cần có sự hợp sức của Nhà nước – ngân hàng – doanh nghiệp để thúc đẩy tín dụng.

Cụ thể, Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Còn phía ngân hàng- trong vai người cho vay- nên hạ lãi suất đối với các khoản vay cũ, đồng thời tiếp tục đơn giản thủ tục cho vay, tăng cho vay tín chấp…

Đối với người đi vay, doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, qua đó, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Theo Thu Thủy/Tạp chí Việt-Mỹ