QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Không thể chết trên những du thuyền ‘Covid-19’!

Chuyến đi nghỉ dưỡng như ở thiên đường trên những du thuyền sang trọng của hàng nghìn du khách bỗng chốc biến thành “địa ngục” khi một hành khách được xác định mắc virus Covid-19. Diamond Princess trở thành “ổ dịch” Covid-19 lớn thứ hai thế giới, còn du thuyền World Dream, Westerdam… bị hắt hủi cấm cập bờ.

Du thuyền Diamond Princess chở theo khoảng 3.700 người từng là ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Sống trong “cung điện” của thần chết

Bước lên một con tàu du lịch sang trọng bậc nhất như Diamond Princess, những vị khách giàu có từ Mỹ, Nhật Bản, Hong Kong… có lẽ không thể ngờ một ngày họ bị “giam lỏng” ở trong chính “cung điện trên biển” do lệnh cách ly bắt buộc của Chính phủ Nhật Bản.

Khởi hành ngày 20/1 từ cảng Yokohama (Nhật Bản) để bắt đầu chuyến du hành khám phá Ðông Nam Á, 3.700 hành khách cùng thành viên thuỷ thủ đoàn đã trở thành những “tù nhân” bất đắc dĩ kể từ khi một người đàn ông 80 tuổi cập cảng Hong Kong và được xác định dương tính với Covid-19. Ðây chính là thời điểm Trung Quốc công bố dịch Covid-19 bùng phát, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn sau khi có hàng nghìn người mắc bệnh và hơn 50 ca tử vong.

Ðến ngày 3/2, tất cả hành khách và thuyền viên tàu Diamond Princess đã bị cách ly ở cảng Yokohama (cách Thủ đô Tokyo của Nhật 36km). Chính phủ các nước Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Canada… lập tức triển khai việc đưa hàng trăm công dân rời tàu và cách ly bắt buộc trong 14 ngày.

Thế nhưng, kể từ khi bị cách ly, số ca nhiễm Covid-19 trên tàu Diamond Princess liên tục tăng nhanh, việc kiểm soát và ngăn ngừa lây nhiễm chéo dường như vượt quá khả năng. Những hành khách có xét nghiệm dương tính với virus được chuyển tới cơ sở y tế, số đông còn lại sống trong khoang tàu bức bí và bao trùm nỗi sợ hãi. Tính đến ngày 20/2, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) xác nhận có 620 người trên du thuyền này bị nhiễm nCoV. Ðiều này khiến cho con tàu này trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc.

“Chúng tôi cố gắng để không bị trầm cảm. Chúng tôi giữ can đảm bằng đôi tay để không lao mình qua ban công. Bạn phải đối mặt với nó” – bà Linda Vittori một du khách Pháp đã chia sẻ như vậy với kênh truyền hình France Info về cuộc sống trên du thuyền Diamond Princess.

621 hành khách trên tàu Diamond Princess đã dương tính Covid-19 và 2 ca tử vong.

Cuộc sống sinh hoạt của nhiều người bị đảo lộn. Những buổi tiệc tùng, đi dạo, gặp gỡ hàng ngày biến mất, thay vào đó là một cuộc sống phải tuân theo quy định nghiêm ngặt. Các hành khách được yêu cầu phải ở lại trong phòng, chỉ được lên boong tàu hít thở không khí 2-3 ngày/lần, bắt buộc đeo khẩu trang, cách xa hành khách khác… Họ vẫn được đảm bảo các nhu yếu phẩm, khẩu trang, dịch vụ, được thăm khám sức khoẻ bởi các nhân viên y tế hàng ngày. Nhưng khó ai có thể cảm thấy vui vẻ với một kỳ nghỉ dưỡng ở trong ổ dịch nguy hiểm đã khiến hàng nghìn người chết.

Một số du khách chia sẻ họ phải đếm ngược từng ngày, hi vọng vẫn khỏe mạnh cho đến ngày thoát khỏi con tàu này. Ðây thực sự là cơn ác mộng khủng khiếp.

Vợ chồng John và Carol Montgomery đã vỡ mộng về kì nghỉ trên du thuyền Diamond Prinsess khi họ bị cách ly trong cabin không có cửa sổ và ban công suốt 10 ngày. Ông Montgomery, 68 tuổi và mắc bệnh tiểu đường nằm trong diện có thể rời tàu sớm, thế nhưng giới chức y tế Nhật Bản đưa ra tiêu chí chặt chẽ hơn, khiến hai vị khách lớn tuổi tiếp tục bị mắc kẹt trên tàu.

Một hành khách trên ban công tàu Diamond Princess bị cách ly tại cảng Yokohama, Nhật Bản. (Ảnh: AFP)

Trong khi đó, công việc của 800 thủy thủ đoàn lại rất vất vả. Họ được cấp mặt nạ và găng tay để phòng nguy cơ lây nhiễm virus, cũng như nhiệt kế để theo dõi thân nhiệt của họ. Thế nhưng họ phải chuẩn bị và phục vụ thức ăn cho hành khách, sau đó dọn dẹp dụng cụ ăn, rác thải. Ngoài ra, việc phải dùng chung nhà tắm và cabin cùng đồng nghiệp cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho thuỷ thủ.

Ðược biết, toàn bộ thủy thủ của du thuyền sẽ bắt đầu 14 ngày cách ly sau khi hành khách cuối cùng rời đi và hơn 600 người được xác nhận nhiễm nCoV. Tuy nhiên nhiều thuỷ thủ đoàn đã không thể giữ được lạc quan như thế khi chứng kiến số ca nhiễm bệnh ngày một tăng.

“Chúng tôi đếm từng ngày và dường như thấy ngày như dài thêm. Cả cơ thể và tâm trí của chúng tôi giờ đều không thể hoạt động tốt được nữa. Chúng tôi thấy căng thẳng và sợ hãi. Tiền không có ý nghĩa gì nếu bạn chết và không để lại cho họ ký ức đẹp đẽ nào”, Jayson Abalos, đầu bếp người Philippines trên du thuyền chia sẻ.

Ngày 19/2, lệnh cách ly đối với tàu Diamond Princess đã kết thúc, nhiều người đã được rời khỏi con tàu trở về với gia đình, số khác vẫn nằm điều trị tại bệnh viên. Hai du khách hơn 80 tuổi nhiễm bệnh đã trút hơi thở cuối cùng, để lại nỗi đau không gì có thể xoa dịu cho gia đình họ…

Khốn khổ vì bị “hắt hủi”

Lo sợ tình cảnh tàu Diamond Princess trở thành ổ dịch Covid-19 có thể lặp lại, chính quyền nhiều nước đã từ chối cho những du thuyền chở hàng nghìn du khách đa quốc gia cập cảng của mình.

Du thuyền World Dream chở hơn 3.600 người đã phải cách ly ở Hong Kong 4 ngày sau khi nhà chức trách phát hiện một hành khách trong chuyến đi trước đó của tàu nhiễm virus Covid-19. World Dream rời Hong Kong hôm 2/2 để đến Ðài Loan, song bị buộc phải trở lại bến du thuyền Kai Tak ở Hong Kong vào hôm 5/2, sau khi giới chức Ðài Loan từ chối tiếp nhận vì phát hiện trong chuyến hành trình trước (đi từ Hong Kong đến Việt Nam) có 8 hành khách dương tính với virus Covid-19.

Trong 4 ngày, 1.800 hành khách và số lượng tương tự thủy thủ đoàn đã phải cách ly, không được phép xuống tàu kể từ ngày 5/2. Rất may là toàn bộ hành khách và thuỷ thủ đoàn không có ai bị nhiễm bệnh sau khi được xét nghiệm.

Du thuyền World Dream neo đậu ngoài cảng Hong Kong trong lúc thủy thủ đoàn được xét nghiệm virus Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Cùng chịu chung cảnh ngộ bị hắt hủi là du thuyền Westerdam, rời cảng tại Hong Kong ngày 1/2 và điểm đến cuối là cảng Yokohama ngày 15/2. Ngay sau khi rời bến, con tàu đã bị Chính phủ Nhật từ chối nhập cảnh tại tất cả các cảng, bao gồm Ishigaki, Naha, Okinawa, Nagasaki và Fukuoka (Hakata) giữa lúc dịch bệnh bùng phát tại nước này. Tàu Westerdam sau đó tiếp tục bị chính quyền cảng tại Philippines, đảo Guam, Thái Lan… từ chối cập cảng. Hàng nghìn hành khách rơi vào tình cảnh “bị giam lỏng” trên tàu, không đích đến.

Sau 2 tuần lênh đên trên biển, cuối cùng tàu Westerdam đã được Campuchia cho phép cập cảng Sihanoukville ngày 13/2. 1.455 hành khách và 802 thủy thủ đoàn vỡ oà trong niềm vui được lên bờ và niềm hy vọng được trở về nước theo nhiều chuyến bay.

Thế nhưng bi kịch đã xảy đến khi giới chức y tế Malaysia phát hiện một hành khách trên tàu Westerdam có kết quả dương tính với Covid-19 khi đang quá cảnh ở sân bay Kuala Lumpur. Phát hiện này đã khiến các cơ quan y tế thế giới tức tốc tìm và theo dõi những hành khách của tàu Westerdam vì lo ngại lây nhiễm khắp nơi.

Ngày 20/2, Campuchia xác nhận du khách là cụ bà người Mỹ 83 tuổi đã bay đến Malaysia và được chẩn đoán nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, những hành khách còn lại và 747 thủy thủ đoàn có kết quả âm tính với virus này.

Chuyến hành trình trên những du thuyền hạng sang chỉ kết thúc khi những vị khách khoẻ mạnh sau thời gian cách ly, trở về nhà an toàn. Song nhiều người vẫn đang phải chiến đấu với bệnh dịch trong nỗi sợ hãi, chờ đợi vận may hi vọng.

Việt Nam có nhiều điểm đến được những du thuyền sang trọng chọn là điểm thăm quan lý tưởng hàng năm như Hạ Long, Ðà Nẵng, Nha Trang… song mối lo ngại dịch bệnh lây lan khó kiểm soát đã khiến chính quyền địa phương e ngại. Giữa tháng 2, tỉnh Quảng Ninh đã từ chối không cấp phép cập cảng đối với du thuyền Aida Vita (quốc tịch Italy) chở theo hơn 1.000 du khách cùng thủy thủ đoàn. Tàu Aida Vita đã huỷ toàn bộ lịch trình cập các cảng nước ta.

Theo Ngọc Châu/Kinh tế Môi trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/khong-the-chet-tren-nhung-du-thuyen-covid-19-14715.html