QC 1
Thứ 3, ngày 30/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Khuyến nghị đầu tư ngày 4/7/2022: CII, DDG, DPM, VIC, FCN, HT1

Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) vừa đưa ra khuyến nghị đầu tư cho loạt cổ phiếu như: CII, DDG, DPM, VIC, FCN, HT1,xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Cổ phiếu CII – CHỜ MUA: LNST 6T/2022 ước đạt 700 tỷ đồng. Triển vọng trong năm 2022 đến từ: (1) Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận của CII bắt đầu đưa vào thu phí từ 1/8/2022; (2) Khối căn hộ của dự án 152 Điện Biên Phủ được dự kiến hoàn thiện vào Q4/2022; (3) Việc đưa vào thu phí dự án BOT Xa lộ Hà Nội trong năm 2021, khai thác Khối văn phòng dự án 152 Điện Biên Phủ và thoái vốn công ty con đã góp phần quan trọng trong việc tạo nguồn tiền để CII thanh toán các khoản nợ.

Cổ phiếu DDG – CHỜ MUA: Công ty đạt tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2021 với lợi nhuận sau thuế công ty đạt 41 tỷ đồng (+174% yoy). Trong đại hội cổ đông năm 2022, công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mức tăng trưởng cao với doanh thu 880 tỷ đồng (+17% yoy), lợi nhuận sau thuế 70,4 tỷ đồng (+72% yoy). Quý 3 tới đây, công ty sẽ tiếp tục phát hành 2,8 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động, sau đó sẽ tiếp tục thực hiện chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 18% để tăng vốn điều lệ công ty.

Cổ phiếu DPM – CHỜ MUA: Mặc dù giảm trong thời gian gần đây nhưng giá phân bón hiện vẫn neo ở mức cao. Nhờ đó, KQKD năm 2022 của DPM dự kiến vẫn tăng trưởng mạnh. Công ty có tài chính lành mạnh, tiền mặt dồi dào (tỷ lệ tiền mặt/vốn hóa ~ 35%), nợ vay thấp (D/E~0,1). Ngoài ra, Công ty dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2021 lên tới 5.000 đồng/cp.

Cổ phiếu VIC – CHỜ MUA: HĐQT Công ty đã thông qua phương án chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong One Mount Group. Ở mảng sản xuất, Vinfast có thể bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất ở Mỹ vào tháng 9 năm nay, công ty cũng đặt tham vọng giao 1 triệu ô tô điện toàn cầu trong vòng 5 năm tới. Ở mảng bất động sản, Vinhomes sẽ mở bán thêm các đại dự án khác bên cạnh Vinhomes The Empire vào các quý cuối năm.

Cổ phiếu FCN – CHỜ BÁN: Triển vọng dài hạn khả quan với việc lũy kế 5 tháng đầu năm, công ty ghi nhận tổng giá trị hợp đồng ký mới khoảng 2.700 tỷ đồng. Trong ngắn hạn, giá nguyên vật liệu liên tục gia tăng có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của công ty. Định giá hiện tại đã ở mức cao với P/E ~23,1x, nhà đầu tư có thể cân nhắc vùng giá hợp lý để hạ tỷ trọng.

Cổ phiếu HT1 – CHỜ BÁN: Mặc dù đã tăng giá bán xi măng trong thời gian gần đây để bù đắp sự tăng giá chi phí nguyên vật liệu đầu vào, hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn có thể gặp khó khăn do tiến độ giải ngân đầu tư công không như kế hoạch tại một số dự án. Định giá cổ phiếu ở mức cao với chỉ số P/E là 18,6x.

Trước đó, TCBS cũng đã đưa ra khuyến nghị đầu tư cho loạt cổ phiếu trong phiên 1/7. Cụ thể:

Cổ phiếu AAA – CHỜ MUA: Kế hoạch kinh doanh 2022 tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ do công ty dự kiến ghi nhận lợi nhuận từ bất động sản khu công nghiệp. Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ bao bì cũng hồi phục sau đại dịch. Tình hình tài chính nhìn chung ở mức khá với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu được kiểm soát ở mức hợp lý 0,7x. Định giá cổ phiếu đang ở mức thấp với P/B 0,8x tuy nhiên công ty đang có kế hoạch tăng vốn bằng hình thức phát hành thông qua đấu giá với tỷ lệ tối đa 30%. Điều này tạo ra rủi ro pha loãng và ảnh hưởng đến các chỉ số hiệu quả kinh doanh của AAA trong thời gian tới

Cổ phiếu ACV – CHỜ MUA: KQKD Q1/2022 được cải thiện đáng kể, doanh thu đạt mức 2.109 tỷ đồng (+11%) và LNST đạt 875 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ 2021. Triển vọng kinh doanh trong ngắn-trung hạn kỳ vọng sẽ tiếp tục được cải thiện khi nền kinh tế được phục hồi và các đường bay quốc tế/nội địa đã dần được nối tuyến trở lại.

Cổ phiếu DPR – CHỜ MUA: Tại ĐHĐCĐ 2022, công ty được phê duyệt kế hoạch kinh doanh 2022 với doanh thu 910 tỷ đồng (-17,6%YoY) và lợi nhuận sau thuế 260 tỷ đồng (-31,3%YoY), kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu 1:1 và cổ tức bằng tiền tối thiểu 15% mệnh giá. Bên cạnh lĩnh vực kinh doanh cao su cốt lõi vẫn duy trì tích cực, triển vọng năm 2022 và trung dài hạn được hỗ trợ thêm với nguồn thu nhập từ đền bù đất với quy mô 2.000 ha đất trồng cao su có thể chuyển đổi theo chiến lược phát triển của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2030.

Cổ phiếu PDR – CHỜ MUA: Dự án Astral City tại Bình Dương dự kiến sẽ đóng góp tỷ trọng lớn trong doanh thu năm nay với thời gian bàn giao theo kế hoạch là Q4/2022. Gần đây, PDR đã chấp thuận việc chuyển nhượng 99,86% cổ phần đang nắm giữ của công ty con CTCP Địa ốc Sài Gòn – KL (chủ đầu tư dự án Astral City) cho đối tác. Theo Công ty, tiền thu được từ dự án Astral city sẽ được dùng để tái cơ cấu danh mục đầu tư và kiểm soát dư nợ. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý đến dự án tồn đọng thời gian dài (EverRich 2&3).

Cổ phiếu QTP – CHỜ MUA: Sản lượng Qc gia tăng và giá thị trường điện neo ở mức cao dự kiến là tiềm năng thúc đẩy hoạt động kinh doanh của QTP trong giai đoạn tới. Tình hình tài chính lành mạnh, dòng tiền đều đặn giúp công ty dự kiến trả hết nợ vay vào năm 2023. Trong ngắn hạn, kế hoạch thoái vốn của SCIC (11%) tại QTP có thể là yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu.

Cổ phiếu SHB – CHỜ MUA: ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2022 là 11.686 tỷ đồng, tăng trưởng 87% so với năm 2021. Ngân hàng cũng đã ghi nhận 3.227 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong Q1/2022, tăng trưởng hơn 94% so với cùng kỳ với tỷ lệ CIR được kiểm soát ở mức 24%. Cổ phiếu đã điều chỉnh về vùng giá tương đối hấp dẫn với P/B 1,0x so với P/B ngành 1,4x.

Cổ phiếu TTF – CHỜ MUA: Kết quả kinh doanh Q1/2022, doanh thu công ty đạt 536 tỷ đồng (+72% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 19 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 39 tỷ đồng). Tình hình kinh doanh của công ty từng bước được cải thiện khi doanh thu liên tục tăng và biên lợi nhuận được cải thiện. Bối cảnh chung ngành xuất khẩu gỗ vẫn khá tích cực khi 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cổ phiếu IPA – CHỜ BÁN: ĐHCĐ 2022 đã thông qua kế hoạch doanh thu 1.680 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng (-50% YoY). Đại hội cũng đã chấp thuận phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 với giá 10.000đ/cp, chào bán cổ phiếu riêng lẻ bằng 9.9% tổng số cổ phiếu lưu hành và bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 – 2027. 6 tháng đầu năm, IPA ước đạt 700 tỷ đồng doanh thu và 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (-72% YoY). Với điều kiện thị trường không còn thuận lợi như 2021, nhà đầu tư có thể cân nhắc các nhịp hồi để giảm dần tỷ trọng với mã này.

Cổ phiếu TVN – CHỜ BÁN: Giá thép trong nước duy trì xu hướng giảm thời gian gần đây, tổng mức giảm trong tháng 5 và tháng 6/2022 khoảng hơn 2 triệu VND/tấn, đẩy giá thép cây về khoảng 17,4 triệu VND/tấn. Điều này có thể làm ảnh hưởng đáng kể lợi nhuận các công ty con của TVN, qua đó tác động đến kết quả hợp nhất của doanh nghiệp này.

Theo Trang Nhi/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/khuyen-nghi-dau-tu-ngay-472022-cii-ddg-dpm-vic-fcn-ht1-138588.html