QC 1
Thứ 5, ngày 10/10/2024 | Hotline: 0889.066.066

Kinh tế châu Á: Chỉ số PMI trái chiều trong quý I/2023

Hoạt động sản xuất, xuất khẩu tại châu Á trong tháng 3 cho thấy sự chênh lệch trong ngành sản xuất giữa hai đầu Bắc – Nam. Trong khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tại hầu hết các nước Đông Bắc Á bị thu hẹp xuống mức dưới 50, thì tại Đông Nam Á lại ghi nhận những tín hiệu tích cực.

Theo khảo sát, chỉ số PMI tại các quốc gia Đông Bắc Á đều trên đà giảm. Cụ thể, trong tháng 3 vừa rồi, chỉ số PMI của Nhật Bản giảm từ 49,2 xuống 47,7; PMI Hàn Quốc trượt từ 48,5 xuống 47,6, mức thấp nhất trong gần nửa năm trở lại đây của quốc gia này; trong khi chỉ số PMI Đài Loan từ 49 giảm còn 48,6 theo dữ liệu ngày 31/3.

Một số cường quốc xuất khẩu của khu vực cũng không thoát khỏi ảnh hưởng do nền kinh tế toàn cầu đang bị bủa vây bởi lạm phát, chi phí vay tăng cao và rủi ro suy thoái ngày một nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Đông Bắc Á còn chịu tác động chính trị do các chính sách kiểm soát hạn chế xuất khẩu trong ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ với Trung Quốc thời gian gần đây.

Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu của Đông Nam Á lại liên tục nhận được các đơn đặt hàng lớn, mở ra triển vọng tươi sáng hơn cho nền kinh tế khu vực này.

Theo đó, chỉ số PMI tại Indonesia, nền kinh tế hàng đầu khu vực, tiếp tục tăng từ 51,2 lên 51,9, mức tốt nhất kể từ tháng 9/2022. Chỉ số PMI tại Thái Lan, Philippines và Malaysia tuy giảm nhẹ, song vẫn được các chuyên gia đánh giá có tiềm năng tăng trưởng dựa trên tình hình xuất khẩu các mặt hàng trên thực tế.

Riêng tại Việt Nam, chỉ số PMI tụt từ mức 51,2 xuống chỉ còn 47,7, kém lạc quan hơn các quốc gia Đông Nam Á khác. S&P Global nhận định, tại Việt Nam, điều kiện kinh doanh của các công ty bị sụt giảm, đà tăng trưởng chững lại trong tháng 3 đã thể hiện nhu cầu ảm đạm của thị trường.

“Các chỉ số cho thấy tăng trưởng ngành sản xuất đã dừng lại sau khi phục hồi mạnh mẽ vào tháng trước đó. Mong rằng đây chỉ là một bước lùi tạm thời và nhu cầu sẽ quay trở lại vào thời gian tới”, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence bày tỏ.

Đánh giá về hoạt động sản xuất, xuất khẩu toàn khu vực, ông Maryam Baluch, chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận đình: “Áp lực lạm phát giảm xuống và chuỗi cung ứng bớt căng thẳng sẽ là một tín hiệu rất tích cực cho sự phục hồi. Do đó, tình hình kinh tế chung vẫn rất lạc quan”.

Theo Quốc Anh/Vietnam Finance/Bloomberg

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/kinh-te-chau-a-chi-so-pmi-trai-chieu-trong-quy-i2023-20180504224282666.htm