QC 1
Thứ 6, ngày 03/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lãi suất tiền gửi chạm đáy, liệu có thể tăng trong năm 2024?

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng tiếp tục giảm sâu, xác lập đáy mới 1,7%/năm. Theo các chuyên gia, nhu cầu tín dụng năm 2024 tăng trở lại có thể khiến các ngân hàng phải nâng lãi suất huy động để hút vốn.

Lãi suất huy động liên tục giảm sâu

Trên thị trường huy động vốn,  các ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi, để có cơ sở hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Theo khảo sát, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank, mã: VCB) mạnh tay hạ lãi suất và duy trì mức lãi suất thấp nhất hệ thống.

Cụ thể, ngày 12/1, Vietcombank lại tiếp 0,1- 0,2% với lãi suất tiền gửi, xuống thấp nhất 1,7% năm với kỳ hạn 1-2 tháng, kỳ hạn 3 tháng chỉ còn 2%/năm. Tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng giảm từ 3,2%/năm xuống 3%/năm.

Lãi suất tiền gửi cao nhất tại Vietcombank là 4,7% với kỳ hạn 12-36 tháng.

Mặc dù lãi suất huy động thấp nhất nhưng lượng tiền gửi vào Vietcombank vẫn tăng 12,1% và đạt xấp xỉ 1,41 triệu tỷ đồng trong năm 2023.

 Vietcombank tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi xuống mức thấp kỷ lục 1,7%/năm.

Hiện tại, 3 “ông lớn” ngân hàng là BIDV, Agribank và VietinBank vẫn chưa có sự điều chỉnh lãi suất, duy trì cao nhất ở mức 5,3%/năm với kỳ hạn từ 24 tháng trở lên, cao hơn 0,6% so với lãi suất của Vietcombank.

Mức lãi suất ở các kỳ hạn ngắn hơn của 3 nhà băng này cũng cao hơn 0,3-0,5% so với lãi suất Vietcombank.

Ở khối ngân hàng thương mại tư nhân, việc giảm lãi suất huy động diễn ra chậm hơn, song cũng giảm đáng kể trong vòng 3 tháng gần đây.

CỤ thể, Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank, mã: VAB) vừa điều chỉnh hạ lãi suất 0,1%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống. Hiện, lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng giảm xuống mức 4,2%/năm, kỳ hạn 6-11 tháng còn 5,2%/năm và cao nhất là 5,5%/năm ở kỳ hạn 12 tháng.

Chỉ trong 2 tuần đầu tiên trong năm 2024, có 14 ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động, gồm: Vietcombank, BaoViet Bank, GPBank, Eximbank, SHB, Bac A Bank, KienLong Bank, LPBank, OCB, VIB, TPBank, ABBank, NCB, Viet A Bank. Trong đó, OCB giảm lãi suất huy động lần thứ hai kể từ đầu tháng 1.

Trái ngược, một số nhà băng rục rịch tăng lãi suất huy động như ACB, ABBank và VPBank từ đầu tháng 1 nhằm tranh thủ hút lượng vốn rẻ từ dân cư.

Hiện nhóm 3 ngân hàng này đang niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 1,7-4,2%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 3-5,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng từ 4,6-5,8%/năm.

Trong năm 2023, lãi suất huy động đã trải qua những đợt giảm hiếm thấy trong lịch sử. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính chung cả năm 2023, lãi suất huy động đã giảm bình quân 2,5-3% so với đầu năm.

So với giai đoạn dịch Covid-19, lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng đang thấp hơn khoảng 0,5%, nhưng lại tương đồng ở các kỳ hạn 6-9 tháng.

Năm 2024 lãi suất có thể tăng nhẹ trở lại

Các chuyên gia dự báo rằng cầu tín dụng sẽ được cải thiện tốt hơn trong năm 2024, dẫn tới nguy cơ ngân hàng thiếu hụt thanh khoản nếu dòng tiền rút ra đi vào sản xuất, kinh doanh.

Do đó, có khả năng ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động trở lại để hút vốn, đảm bảo thanh khoản. Mức tăng của lãi suất huy động trong năm 2024 sẽ tương đối khiêm tốn.

Với tình hình lãi suất huy động hiện tại, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm khoảng 1 – 1,5 % trong năm 2024. Trong đó, các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, việc biên lãi thuần (NIM) đang trong đà giảm và nợ xấu có xu hướng tăng được dự báo sẽ khiến các nhà băng có xu hướng thận trọng hơn trong việc cho vay. Do vậy, VCBS cho rằng sẽ có sự phân hóa trong mức giảm lãi suất cho vay.

Tương tự, Công ty chứng khoán VNDirect nhận định, lãi suất huy động sẽ có xu hướng tiếp tục giảm trong năm 2024: “Chúng tôi kỳ vọng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng sẽ duy trì ở mức thấp, khoảng 5,0%/năm từ cuối năm 2023 đến cuối năm 2024.

Chứng khoán SSI cũng nhận định lãi suất huy động bình quân trong năm 2024 sẽ không có chênh lệch quá lớn so với hiện tại. Lãi suất huy động duy trì ở mức thấp sẽ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh hơn.

Theo số liệu từ Ngân hàng nhà nước, đến ngày 31/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 13,71% so với cuối năm 2022. Điều này góp phần không nhỏ vào tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng.

Mặt bằng lãi suất huy động đã xuống thấp hơn cả giai đoạn Covid-19 do thanh khoản hệ thống dư thừa, nhu cầu tín dụng yếu.

Lãi suất liên ngân hàng giảm thấp nên thanh khoản của các ngân hàng hiện nay khá dồi dào.

Mặc dù các ngân hàng duy trì lãi suất thấp nhưng không thể khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh khỏi hệ thống ngân hàng để chảy qua các kênh đầu tư khác như bất động sản và chứng khoán do mức độ rủi ro lớn.

Ngân hàng nhà nước cho biết, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng trong năm 2023 vẫn tăng 14% so, đạt mức cao kỷ lục hơn 13,5 triệu tỷ đồng. Đặc biệt là tổng huy động vốn của nhóm ngân hàng BIG4 tăng thêm gần 778.900 tỷ đồng, tăng hơn 13% lên mức 6,7 triệu tỷ đồng.

Theo Diệp Anh/ Tạp chí Việt – Mỹ